A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều chuyên gia đề xuất đánh thuế giao dịch vàng

Chuyên gia cho rằng, áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Ngày 9/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24).

Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. 

Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng, giữa việc nhập khẩu vàng vào làm vàng nguyên liệu cho việc chế biến trang sức và nhập khẩu vào làm vàng miếng trao đổi thì hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.

TS.Trương Văn Phước cũng cho rằng, việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào. Bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác. “Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề vàng hóa, trong 10 năm vừa qua, NHNN và Chính phủ thành công trong việc chống vàng hóa ở một mức độ nào đó. Người dân hiện nay không còn dùng vàng như đơn vị để thanh toán. Các ngân hàng không huy động vàng, không cho vay vàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu dẫn chứng, lấy một mô hình trên thế giới để thấy quốc gia nào không có vàng hóa: Mỹ. Nước Mỹ họ cũng bán vàng vật chất và vàng trang sức nhưng bên cạnh vàng vật chất và vàng trang sức, thị trường chứng khoán của Mỹ có những sản phẩm để đầu tư vào vàng, chứng khoán trong những công ty. “Người ta đầu tư vào chứng khoán vàng, người dân ở Mỹ không mua vàng, họ mua là mua mấy đồng coin thôi. Ở Việt Nam rất lạ là những ngày vừa rồi chưa có gia đình nào bị cướp vàng. Ở Mỹ thì sợ mang vàng về nhà bị cướp, nên họ không bao giờ giữ vàng ở nhà, và họ phải mua bảo hiểm vàng”, TS. Hiếu nói.

Còn TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để quản lý thị trường vàng phải có những giải pháp căn cơ, quan tâm đầy đủ đến xây dựng biện pháp quản lý vàng, phải học tập kinh nghiệm các nước, quản lý bằng thuế là quan trọng nhất, một số nước bằng quota, hoặc chống độc quyền hạn chế cạnh tranh, gian lận thương mại…

Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết, NHNN đánh giá vàng sức hấp dẫn còn rất lớn; nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đôla hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.

Phó Thống đốc cho hay, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.

Theo Phó Thống đốc, việc can thiệp của NHNN vừa qua là có cơ sở pháp lý (Nghị định 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định 16/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN; Thông tư 06/2013 hướng dẫn hoạt động mua,bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước...).


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật