A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng (MCM) của OECD, kết hợp một số hoạt động song phương tại Paris, từ ngày 2-3.5.2024.

Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực cho hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann tháng 10.2023 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho hay, Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng OECD năm 2024 diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á nói chung cũng như hợp tác giữa OECD và Việt Nam nói riêng đang trên đà phát triển tốt đẹp, khi Việt Nam đang cùng Australia đồng chủ trì Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP), giai đoạn 2022-2025, với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

"Từ khi đảm nhận vai trò đồng chủ trì Chương trình SEARP, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho chương trình cũng như cho hợp tác giữa OECD và Đông Nam Á. Nổi bật nhất là hai diễn đàn khu vực OECD - Đông Nam Á cấp Bộ trưởng được tổ chức tại Hà Nội năm 2022 và 2023 với nhiều chủ đề đáp ứng yêu cầu của khu vực trong giai đoạn hiện nay" - Đại sứ nói.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết thêm, Hội nghị cấp Bộ trưởng Hội đồng OECD năm nay do Nhật Bản chủ trì sẽ tập trung tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm. Hội nghị cũng là dịp để nhìn lại mối quan hệ giữa OECD với khu vực Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP.

Chương trình SEARP được khởi động vào năm 2014, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa OECD và các nước khu vực Đông Nam Á, hướng tới hỗ trợ cho cải cách và đóng góp cho phát triển bền vững của các nước trong khu vực này.

Trong năm 2024, chương trình này hướng tới tăng cường hơn nữa quan hệ giữa OECD và khu vực Đông Nam Á qua việc triển khai Khuôn khổ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của OECD (được thông qua tại MCM 2023).

Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD, Đại sứ Đinh Toàn Thắng khẳng định: "Quan hệ Việt Nam - OECD thời gian qua đã được thúc đẩy mạnh hơn sau khi hai bên ký MOU hợp tác vào năm 2021 và Chương trình hành động triển khai MOU vào năm 2022".

Trên cơ sở các khuôn khổ này, Việt Nam đã nhận được các hỗ trợ của OECD trong xây dựng, khuyến nghị về chính sách kinh tế, quản trị doanh nghiệp Nhà nước, xây dựng chính sách thuế, thị trường tín chỉ carbon...

Hai bên đang triển khai hợp tác tốt trong lĩnh vực tài chính, nhất là qua việc Việt Nam đã ký và phê chuẩn Hiệp định về Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI) và Công ước đa phương về Hỗ trợ lẫn nhau về hành chính thuế (MAAC). Việt Nam và OECD cũng đang tiếp tục triển khai nhiều dự án cụ thể trong Chương trình hành động triển khai MOU hợp tác giữa hai bên.

Bên cạnh đó, Việt Nam hằng năm đều tham gia tích cực vào các công việc của Trung tâm phát triển.

Đại sứ tiết lộ, tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng năm nay, trên cơ sở các yêu cầu, quan điểm phát triển của Việt Nam và triển khai mạnh mẽ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có các tham luận trung tâm tại các phiên chính của hội nghị, trong đó có phiên họp kỷ niệm 10 năm Chương trình SEARP, phiên họp về thúc đẩy kinh tế bền vững và bao trùm.

Bên cạnh đó, bộ trưởng sẽ có cuộc gặp với Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD, gặp gỡ song phương một số đối tác, trưởng đoàn các nước dự hội nghị...

Trước đó, năm 2023, lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD và đã có những đóng góp cho các chủ đề trung tâm của hội nghị, đánh dấu bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa Việt Nam và OECD.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan