A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình triển khai nhiều giải pháp trước nhu cầu sử dụng lao động tăng cao

Trong năm 2024, toàn tỉnh Thái Bình dự kiến có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Trước thực trạng này, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thái Bình triển khai nhiều giải pháp trước nhu cầu sử dụng lao động tăng cao

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình cùng các sở, ban ngành chứng kiến ký kết hợp đồng nguyên tắc giữa Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Minh Quang

Năm 2024, Thái Bình có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động

Theo ông Phí Ngọc Thành - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, dân số của tỉnh Thái Bình hiện có gần 2 triệu người, lực lượng lao động trong độ tuổi khoảng 1,2 triệu người; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 75%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 1 Khu kinh tế, 10 Khu công nghiệp, 50 Cụm công nghiệp với khoảng 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thu hút trên 720.000 lao động; bình quân hằng năm địa phương tiến hành đào tạo nghề cho 35.000 lao động, tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động.

“Qua khảo sát, năm 2024 các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng khoảng 12.000 lao động. Trong đó, lao động có trình độ Cao đẳng là 3.200 người, Trung cấp là 2.800 người, Sơ cấp 4.000 người và 2.000 lao động phổ thông. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu sử dụng sẽ tăng lên ở mức khoảng trên 82.000 lao động”, ông Thành thông tin.

Được biết, để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành “Đề án đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo lao động vào làm việc trong Khu kinh tế Thái Bình.

Những giải pháp chủ động, cụ thể

Ông Tăng Quốc Sử - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình), những tháng đầu năm 2024, tình hình lao động, việc làm của người lao động trong khu vực doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và cạnh tranh thương mại của các nước lớn đã tác động đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động gặp khó khăn.

Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định thị trường lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động đến người sử dụng lao động và người lao động, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về chính sách lao động, việc làm.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin thị trường lao động, thực hiện linh hoạt các hình thức kết nối lao động, việc làm, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động để phối hợp trong tuyển dụng, đào tạo và sử dụng lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp.

“Đồng thời, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đẩy mạnh mở rộng, hợp tác thị trường lao động nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến tuyển chọn lao động của tỉnh”, ông Tăng Quốc Sử thông tin.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan