A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trăn trở phía sau việc tổ chức tháo dỡ nhà không phép

Theo kế hoạch, những ngày cuối tháng 10/2023, UBND quận Bình Tân sẽ tiếp tục tháo dỡ 15 căn nhà xây dựng không phép trên địa bàn phường Tân Tạo. Tuy nhiên, công tác cưỡng chế đã tạm thời dừng lại, thay vào đó là vận động người dân tự tháo dỡ.

Còn lắm băn khoăn

Trước đó ngày 12/10, hàng loạt ngôi nhà xây dựng không phép thuộc khu vực Khu phố 2, đường Hồ Văn Long, phường Tân Tạo đã bị buộc tháo dỡ. Đây có lẽ là đợt ra quân chấn chỉnh tình hình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn TP Hồ Chí Minh lớn nhất trong năm 2023.

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết, đợt ra quân chấn chỉnh lần này ước tính có 150 căn nhà xây dựng không phép, nằm trên địa bàn phường Tân Tạo. Hiện lực lượng chức năng đã tháo dỡ 62/150 căn. Hầu hết những căn nhà này được xây dựng trên đất đã có quy hoạch (như đất quy hoạch giáo dục, cây xanh…), có nguồn gốc đất nông nghiệp, chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Dấu tích còn lại của một khu vực dân cư xây dựng sai

Dấu tích còn lại của một khu vực dân cư xây dựng không phép

Việc ra quân lập lại kỷ cương, chấn chỉnh thực trạng xây dựng không phép, sai phép của chính quyền quận Bình Tân thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. Sự kiện như một lời khẳng định sự quyết tâm của TP Hồ Chí Minh nói chung và chính quyền quận Bình tân nói riêng trong câu chuyện quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực xây dựng.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc mạnh tay xử lý vấn nạn nhà không phép nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc xử lý này chỉ mới giải quyết được phần ngọn. Giống như chuyện “tỉa nhánh” làm đẹp cho một gốc bonsai, giải quyết áp lực dư luận nhưng cái gốc rễ còn đó.

Cũng có ý kiến, việc ra quân chấn chỉnh nhà không phép tại Bình Tân giống như một “phong trào”, vì đây không phải lần đầu tiên trên địa bàn thành phố ra quân đập hàng trăm ngôi nhà như thế này, để rồi vấn nạn lại tiếp tục sinh sôi, nảy nở.

Nỗi đau sau những đổ nát

Một buổi chiều cuối tháng 10, chúng tôi trở lại hiện trạng khu vực vừa được tháo dỡ vào ngày 12/10 vừa qua. Cuối con đường xi măng do người dân tự bỏ tiền làm có chiều ngang chưa đầy 1m là ngã 3 đường rẽ vào ngay phía sau trường PTTH Tân Tạo. Nơi đây, hiện trường đổ nát, ngổn ngang vật liệu vừa tháo dỡ, lởm chởm, nham nhở. Trên những cái nền đó vẫn còn khá nhiều vật dụng mà người dân chưa kịp mang ra.

Đối diện hiện trường, có vài cái lều được dựng lên từ nhiều loại phế liệu, tạm bợ, nhếch nhác. Ngồi trước căn lều mới dựng, anh Đặng Văn Đức nặng nề nhấc cái ghế nhựa mời khách ngồi. Vẻ mặt mệt mỏi, anh đưa tay chỉ vào cái hàng rào sắt đối diện: “Nhà tôi ở đó, giờ chỉ còn vậy thôi…”.

Anh Đức đang ngồi xem lại giấy tờ của ngôi nhà mình đã mua

Anh Đức đang ngồi xem lại giấy tờ của ngôi nhà mình đã mua

Phía sau hàng rào, nơi trước đây là nhà anh, giờ được dọn vội để làm chỗ nấu ăn cho cả nhà. Chỗ ở giờ chỉ là cái lều dựng nhờ trên đất của người khác. Theo lời anh Đức, gia đình anh về đây mua nhà và cư trú từ năm 2017. Nhà có 4 người, 2 người con hiện đang theo học đại học. Sợ ở cái lều tạm ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học… nên anh mướn phòng trọ gần đó cho con ở, còn vợ chồng anh ở tạm trong lều.

“Cả gia đình giờ chỉ trông vào đồng lương công nhân của vợ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi trước cũng đi làm bình thường nhưng mới vừa mổ cột sống xong nên chưa làm được gì…”, anh Đức giọng buồn buồn nói.

Để có được căn nhà trên, hai vợ chồng anh cũng vay mượn khắp nơi, cộng thêm chút vốn để dành mới đủ 1,3 tỷ đồng để mua. “Lúc đó tôi biết là đất đã có quy hoạch trường học nhưng thấy có số nhà của quận cấp năm 2017 nên nghĩ khi Nhà nước giải tỏa thì mình vẫn được đền bù,… ai ngờ… Tháo dỡ xong, Nhà nước hỗ trợ được 2 tháng tiền thuê nhà trọ, sau 2 tháng rồi không biết ở đâu...”, anh Đức bộc bạch.

Anh Đức giới thiệu ngôi nhà giờ chỉ còn tận dụng được làm chái bếp

Anh Đức cho biết ngôi nhà giờ chỉ còn tận dụng làm chái bếp

Trong lúc đang nói chuyện, một người đàn ông nhỏ thó đi qua, rồi mở cái cổng của dãy hàng rào sát cổng nhà anh Đức để đi vào. Theo chân ông, trên cái nền nhà cũ, tài sản của gia đình giờ gói gọn trong tấm bạt trùm kín khoảng 2m2. Gặng hỏi mãi, ông mới cho biết tên N.V.C.

Trước đây ông ở khu nhà trên kênh Nhiêu Lộc. Sau khi giải tỏa, gom góp được chút ít, ông về mua lại nền đất này với giá 350 triệu đồng để cất nhà ở. Giờ nhà không còn nên ông đi thuê phòng trọ. “Nhà cất sai, giờ bị tháo dỡ là đúng rồi, không trách ai hết, chỉ là…”, chưa dứt câu, ông vội vã khóa cửa đi mất.

Ông N.V.C mở cánh cổng nơi mà cách đây không lâu đã từng là nhà của mình

Ông N.V.C mở cánh cổng - nơi mà cách đây không lâu đã từng là nhà của mình

Dưới tấm bạt xanh là số tài sản còn lại sau khi nhà không còn

Dưới tấm bạt xanh là số tài sản còn lại sau khi nhà không còn

Nhà có số của quận cấp mua giá 1,3 tỷ, đất chưa có nhà mua 350 triệu đồng nhưng rồi làm sao xây được nhà? Sự chênh lệch về giá không phải tự nhiên, mà đó là niềm tin: Nhà được quận cấp số, chắc chắn phải có đủ điều kiện; khu nhà không đủ điều kiện vậy sao được cấp số nhà?

Dân tin người bán "hứa" và nghĩ vậy, tuy nhiên thực tế, nhiều người vẫn chưa nắm và hiểu rõ khi cấp số nhà, chính quyền vẫn có ghi cụ thể "Giấy chứng nhận này được sử dụng khi hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm các thủ tục liên quan đến địa chỉ và không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng".

Biển số nhà được cấp cho ngôi nhà mà anh Đức mua. Ở khu nhà sai phạm này, có 4 số nhà chính thức được quận cấp

Chứng nhận số nhà được cấp cho người dân có nhà bị tháo dỡ

Đau xót là cảm xúc rõ nhất khi người dân quay đầu nhìn về đống hoang tàn - nơi mà trước đây họ đã từng gọi là nhà, đã ăn ngủ ở đó bao năm. Việc bị tháo dỡ nhà xây sai trái họ chấp nhận, nhưng phía sau sự chấp nhận đó vẫn còn hàng loạt những câu hỏi mà họ không biết giải bày với ai.

Những câu hỏi và giá như…

Có một thực tế ai cũng biết, ai cũng thấy, đó là việc quy hoạch đã được thông báo công khai và từ rất lâu nhưng ai cho chủ đất cắt ra từng thửa nhỏ để bán cho dân, tạo thành cả một khu dân cư lớn?

Thực tế, một hộ dân chỉ cần mua ít vật liệu sửa chữa, mang về đến nhà là lực lượng chức năng sẽ tìm đến “hỏi thăm”. Vậy bằng cách nào cả khu phố với vài chục căn nhà lại “vô tư” mọc lên mà không ai biết? Rồi việc mua bán diễn ra hết năm này qua năm khác, ngay trên khu đất không được phép tách thửa, không được phép xây dựng mà chính quyền địa phương, lực lượng chức năng chuyên trách không hay, không thông báo cho người dân biết và xử lý ngay từ đầu? Để đến ngày này, họ phải đau đớn nhìn ngôi nhà mua bằng tiền mồ hôi, nước mắt của mình trở thành đống đổ nát thế kia.

Ngay trong khu phố này, nhiều người dân cũng biết có ngôi nhà bị tháo dỡ đến 3 lần, bởi cứ tháo xong thời gian lại có ngôi nhà mới mọc lên. Ai có phép “thần thông” đến mức như vậy?

Ngồi nhìn đống vật liệu, đồ đạc ngổn ngang, nhà thì mất rồi, người dân còn phải lo lắng về tình cảnh thửa đất họ mua dưới dạng sổ chung sắp tới khi có quyết định thu hồi sẽ được giải quyết thế nào? Quyền lợi của họ sẽ ra sao?

Người dân chấp nhận thực hiện tháo dỡ nhà sai phạm là hành động thượng tôn pháp luật. Họ biết mình sai nên nén nỗi đau để thể hiện sự tôn trọng luật pháp và chính quyền. Còn những người cố tình “ngó nghiêng”, hậu thuẫn để hình thành nên khu phố tự phát, đẩy những người dân lao động vào hoàn cảnh ngặt nghèo ấy giờ đang thế nào?

Biển số nhà được cấp cho ngôi nhà mà anh Đức mua. Ở khu nhà sai phạm này, có 4 số nhà chính thức được quận cấp.

Biển số nhà được cấp cho ngôi nhà mà anh Đặng Văn Đức mua. Ở khu nhà sai phạm này, có khoảng 4 số nhà chính thức được quận cấp

Khu nhà không phép không thể hình thành nếu không có những câu chuyện đang râm ran trong người dân. Ông L, một người cố cựu tại khu vực này kể vanh vách về lai lịch khu phố, từ vài căn nhà thời điểm năm 1997, đến khi hình thành khu phố từ những năm 2014 - 2015. Cảnh ông chủ đất ngồi quán cà phê cắt đất bán ra sao, rồi người dân gian nan thế nào khi cất nhà... Có lẽ đan ghép những câu chuyện này lại sẽ có bức tranh hoàn chỉnh về khu phố tự phát, không phép.

Câu chuyện đó đến cuối cùng chỉ có người dân mua đất, mua nhà sử dụng là chịu thiệt thòi.

Thực thi pháp luật là điều thật cần thiết để lập lại trật tự xây dựng. Tuy nhiên, nếu chỉ cưỡng chế tháo dỡ nhà thì việc thiết lập lại trật tự xây dựng sẽ là bức tranh không hoàn chỉnh, khi vai trò và trách nhiệm của những người góp sức, kiến tạo nên những khu nhà không phép ấy không (hoặc chưa) được đưa ra xem xét xử lý như cách làm dứt khoát đối với người dân.

Tại sao phải để đến mức tổ chức đoàn tháo dỡ nhà không phép? Nếu ngay từ đầu quản lý xây dựng tốt thì đâu cần phải tốn kém ngân sách, người dân cũng đâu gặp cảnh “bi đát” như ngày nay.

Tương lai gần, vẫn còn rất nhiều căn nhà sai phạm sẽ buộc phải tháo dỡ. Mong rằng đây là tín hiệu cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với thực trạng xây nhà không phép, sai phép. Người dân cũng đừng vì ham rẻ để rồi rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”, còn chính quyền cũng rơi vào thế khó.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật