Ông Trump công bố thỏa thuận thương mại với Indonesia, thuế suất 19%
Ông Trump cho biết, thỏa thuận kêu gọi Indonesia không áp thuế đối với hàng Mỹ, trong khi Mỹ áp thuế 19% lên hàng Indonesia.
Ông Trump nói hàng hóa từ Indonesia vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 19%. Ảnh: Xinhua
Ngày 15.7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại mới với Indonesia, bao gồm mức thuế 19% với hàng hóa nhập khẩu.
Vài giờ sau thông báo trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump phát biểu với báo giới rằng thỏa thuận kêu gọi Indonesia sẽ không áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, trong khi Mỹ sẽ áp mức thuế 19% lên hàng hóa nhập khẩu từ Indonesia.
Ông Trump khẳng định thỏa thuận đã được "hoàn tất”. Tuy nhiên, phía chính phủ Indonesia chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về việc này tính đến chiều cùng ngày.
Ông Trump cho biết thêm Indonesia đã cam kết mua các mặt hàng từ Mỹ, bao gồm 15 tỉ USD năng lượng, 4,5 tỉ USD sản phẩm nông nghiệp và 50 máy bay do Boeing sản xuất, trong đó có nhiều chiếc thuộc dòng 777.
Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến khả năng nới lỏng thuế với mặt hàng đồng - một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia - khi cho rằng quốc gia Đông Nam Á này “nổi tiếng với đồng chất lượng cao”. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố sẽ áp mức thuế 50% đối với tất cả các mặt hàng đồng nhập khẩu bắt đầu từ ngày 1.8 tới.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Indonesia xuất khẩu khoảng 20 triệu USD đồng sang Mỹ trong năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với Chile (6 tỉ USD) và Canada (4 tỉ USD), hai nhà cung cấp đồng hàng đầu cho thị trường Mỹ.
Bình luận về thỏa thuận, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết: “Chúng tôi không chịu thuế ở đó, nhưng họ phải trả thuế ở đây. Chúng tôi đang đảo ngược thế bất cân xứng theo hướng có lợi cho mình”.

Ông Trump cũng cho biết Ấn Độ đang có động thái tương tự nhằm tiến tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Hồi tháng 4, Washington từng áp thuế 32% đối với hàng hóa từ Ấn Độ, trước khi điều chỉnh tạm thời về mức thuế tối thiểu 10% kéo dài trong 3 tháng và thời hạn dự kiến kết thúc vào ngày 1.8 tới.
Thỏa thuận với Indonesia là thỏa thuận thương mại thứ 4 mà ông Trump công bố trong vòng 3 tháng qua. Trước đó, ông từng hứa hẹn sẽ đạt được hàng chục thỏa thuận thương mại với các đối tác trên toàn cầu, nhưng thực tế việc đàm phán không hề dễ dàng.
Chính sách thương mại của ông Trump, với các biện pháp thay đổi thuế suất đột ngột, đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ lo ngại. Một số công ty lo sợ rằng các đơn hàng họ đặt từ nước ngoài có thể bất ngờ bị áp mức thuế cao, do Tổng thống có quyền điều chỉnh tức thì các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Trump cho rằng doanh nghiệp Mỹ có thể tránh rủi ro này bằng cách đưa dây chuyền sản xuất về nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc dịch chuyển sản xuất không hề đơn giản - đòi hỏi thời gian dài, chi phí lớn, và khả năng thiếu hụt nhân lực phù hợp. Chi phí sản xuất trong nước có thể tăng lên, kéo theo giá thành sản phẩm và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tính đến hiện tại, Indonesia vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông báo của phía Mỹ. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Mỹ. Trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu 28 tỉ USD hàng hóa từ Indonesia, chủ yếu là quần áo và giày dép; đồng thời xuất khẩu khoảng 10 tỉ USD sang Indonesia, trong đó nổi bật là dầu thô, khí đốt và nông sản.