A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội đặt mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035

Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVIII, Đảng bộ TP Hà Nội đặt mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035, đồng thời làm “hồi sinh” sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét...

Hà Nội đặt mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035

Không khí gây khó chịu, người dân che kín mít khi ra đường, ảnh chụp ngày 14.7. Ảnh: Tô Thế

Theo dự thảo, thành phố ưu tiên tập trung thực hiện việc bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phòng, chống biến đổi khí hậu. Theo đó, thành phố xác định có giải pháp căn cơ để xử lý các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, thoát nước, chống úng ngập, xử lý chất thải.

Xử lý môi trường các con sông nội đô, là sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và xử lý môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; xử lý rác thải; xử lý nước thải (xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng, Sơn Tây, Yên Sở...) nhằm cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh trên địa bàn.

Thành phố cũng ưu tiên đầu tư thực hiện vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải do hoạt động của con người gây ra, xây dựng thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại. Xây dựng các công viên mới với tỉ lệ bêtông hóa ít nhất, phát triển các mô hình xanh, “rừng trong phố”.

Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách, tạo nguồn lực để di dời các công trình ô nhiễm, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô theo quy hoạch được duyệt để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.

“Xử lý triệt để ô nhiễm không khí nội đô trước năm 2035, thực hiện vùng phát thải thấp. Hồi sinh các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, cầu Bây - Bắc Hưng Hải. Nghiên cứu, xây dựng chương trình (hoặc đề án) chiến lược tổng thể bảo vệ môi trường và phát triển xanh Thủ đô, tầm nhìn ít nhất 15 - 20 năm”, dự thảo báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, thành phố xác định trục sông Hồng là biểu tượng phát triển mới; xây dựng 7 cầu qua sông Hồng, gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thượng Cát, Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi, Vân Phúc...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật