Mỹ - Trung hạ nhiệt thương mại: Khoảng lặng trước bão?
Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm mạnh thuế quan, nhưng các chuyên gia cảnh báo đây chỉ là bước đi ngắn hạn.
![]() |
(Ảnh: Rochester) |
Ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ thông báo một thỏa thuận giảm đáng kể thuế quan áp đặt lên hàng hóa của nhau.
Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng theo giới chuyên gia, thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời và nhiều rủi ro vẫn còn phía trước.
Trong bài phân tích đăng trên trang Atlantic Council, nhiều chuyên gia hàng đầu đã đưa ra đánh giá từ các góc độ chính trị, kinh tế và chiến lược.
Chuyên gia nói gì?
Melanie Hart, chuyên gia về chính sách Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh đang chiếm ưu thế trong cuộc đàm phán lần này. Việc Mỹ đồng ý giảm thuế mạnh là dấu hiệu cho thấy Washington đang cần “giảm nhiệt” để ổn định kinh tế trong nước.
Josh Lipsky, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế tại Atlantic Council, cảnh báo rằng việc điều chỉnh chính sách thương mại theo kiểu “bật tắt công tắc” sẽ khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp lúng túng, làm xói mòn lòng tin vào chiến lược dài hạn của Mỹ.
Barbara C. Matthews, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhấn mạnh thỏa thuận này tuy làm dịu căng thẳng, nhưng lại tạo áp lực lớn lên các quốc gia khác trong hệ thống thương mại toàn cầu. Họ buộc phải nghiêng về một trong 2 cường quốc trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.
L. Daniel Mullaney, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ với Trung Quốc, lưu ý rằng các doanh nghiệp Mỹ có xu hướng tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế để giảm rủi ro, và điều này sẽ tiếp tục ngay cả khi thuế quan được giảm.
Tạm yên bình trước cơn bão?
Mặc dù thị trường tài chính phản ứng tích cực với thông tin này, các chuyên gia đều cho rằng đây chỉ là sự tạm lắng. Những vấn đề then chốt như cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và sở hữu trí tuệ – nguyên nhân gốc rễ của xung đột – vẫn chưa được giải quyết.
Thỏa thuận hiện tại có thời hạn 90 ngày. Nếu 2 bên không đạt được tiến triển thực chất, xung đột thương mại có thể tái bùng phát mạnh mẽ hơn.