A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lương và chế độ đãi ngộ còn thấp, doanh nghiệp Hà Tĩnh khó tuyển lao động

Mặc dù đã thông báo tuyển dụng ngay từ đầu năm 2025 nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh vẫn đang thiếu hàng nghìn lao động.

Lương và chế độ đãi ngộ còn thấp, doanh nghiệp Hà Tĩnh khó tuyển lao động

Dù nhu cầu cần đến hàng nghìn lao động nhưng các doanh nghiệp may mặc tại Hà Tĩnh vẫn rất khó tuyển. Ảnh: Trần Tuấn

Thiếu hàng nghìn lao động

Ngày 12.5, ông Đặng Viết Thực - Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (ở KKT Vũng Áng) - cho biết, trong năm 2024 cho đến đầu năm 2025, Xí nghiệp đã thông báo tuyển dụng số lao động lớn. Thế nhưng, đến nay đơn vị mới có 400 lao động, còn thiếu 600 lao động.

“Xí nghiệp đã chi trả mức lương bình quân mỗi tháng gần 8 triệu đồng, đồng thời còn hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền xăng xe đi lại. Còn có thưởng năng suất, thưởng chuyên cần... nhưng vẫn rất khó tuyển”, ông Thực chia sẻ.

Theo ông Thực, trước thực trạng khó tuyển lao động, đơn vị đã thông báo tuyển dụng rộng rãi. Đặc biệt, đơn vị áp dụng chính sách khuyến khích mỗi cán bộ, công nhân viên giới thiệu được một lao động đã vững tay nghề vào làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng, giới thiệu được một lao động phổ thông vào để tiếp tục đào tạo sẽ được thưởng 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, kết quả tuyển dụng vẫn đạt thấp.

Bà Võ Thị Tâm - Chủ tịch CĐCS Công ty may Haivina Hồng Lĩnh - thông tin, để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, từ đầu năm 2025, công ty đã thông báo tuyển dụng hơn 1.000 lao động. Thế nhưng, đến nay mới tuyển được 300 lao động. Công ty đang tiếp tục tuyển dụng nhưng rất khó tuyển.

Đại diện phòng nhân sự Công ty may Five Star Hà Tĩnh (ở Khu công nghiệp Đại Kim, huyện Hương Sơn) cho biết, từ đầu năm 2025, công ty đã thông báo tuyển dụng hơn 1.000 công nhân nhưng đến nay mới tuyển được 250 người. Kết quả tuyển đạt thấp khiến công ty thêm lo ngại khi đã định hướng thời gian tới quy mô cần từ 2.500 - 3.000 lao động.

Nguyên nhân khó tuyển

Ông Đặng Viết Thực - Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh nhận định mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng và nhiều chế độ đãi ngộ khác mà xí nghiệp đưa ra là cũng đã tương đối cao. Thế nhưng, kết quả tuyển dụng đạt thấp là do ở KKT Vũng Áng còn có nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác giải quyết việc làm cho người lao động.

“Ở đây đang thiếu nhà gửi trẻ nên nhiều chị em đang nuôi con nhỏ không gửi con được, đành ở nhà chăm con cũng là một nguyên nhân khiến việc tuyển lao động khó khăn”, ông Thực nói.

Theo bà Võ Thị Tâm - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều doanh nghiệp may mặc nên lao động có nhiều lựa chọn. Đây là nguyên nhân dẫn đến kết quả tuyển dụng của công ty đạt thấp.

Bên cạnh đó, nhiều người lựa chọn đi xuất khẩu lao động để có thu nhập tốt hơn, hoặc gia đình đã có chồng đi xuất khẩu lao động cho thu nhập tốt nên vợ ở nhà chỉ việc nội trợ, chăm sóc con cái nên họ không đi làm nữa.

Cán bộ Phòng Nhân sự Công ty may Five Star Hà Tĩnh cũng khẳng định, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp may mặc nên việc tuyển lao động khó khăn do đã phân tán lao động theo địa bàn. Theo đại diện các doanh nghiệp may mặc, đơn hàng xuất khẩu ổn định, công ty muốn mở rộng quy mô, đẩy mạnh sản xuất nhưng việc thiếu lao động đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến doanh thu.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh, trong phiên giao dịch việc làm định kỳ tổ chức vào ngày 15.5 tới đây sẽ có 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phỏng vấn trực tiếp để tuyển dụng hơn 2.100 lao động với mức lương từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, riêng lĩnh vực may mặc đã tuyển dụng gần 1.500 lao động. Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc tuyển lao động trên địa bàn khó khăn do mức lương và chế độ đãi ngộ vẫn thấp hơn so với nhiều tỉnh khác, đặc biệt là các tỉnh ở miền Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật