A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương gọi, cưỡng chế tàu thuyền khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn trước bão Wipha

Trước ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, các bộ ngành và địa phương đã yêu cầu khẩn trương chỉ đạo ứng phó.

Cưỡng chế tàu thuyền khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn

Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi về việc khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 21.7.2025 còn 425 tàu/1.560 người đang hoạt động khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), cụ thể như sau: Hưng Yên 01 tàu/10 người; Ninh Bình 137 tàu/284 người; Thanh Hóa 27 tàu/72 người; Nghệ An 173 tàu/675 người; Hà Tĩnh 09 tàu/20 người; Quảng Trị 27 tàu/148 người; Đà Nẵng 12 tàu/77 người; Quảng Ngãi 39 tàu/274 người.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện kêu gọi, hướng dẫn hoặc có biện pháp cưỡng chế để đưa các tàu thuyền nêu trên về bờ neo đậu. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền và thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20.7.2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ cũng đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng phát và đưa tin ngay về những tàu thuyền nêu trên để người dân, chủ tàu thuyền, chính quyền địa phương biết, kịp thời di chuyển về bờ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Tuyên Quang ra văn bản hỏa tốc

Ngày 21.7, thông tin từ UBND tỉnh Tuyên Quang, địa phương này đã ban hành văn bản số 342/UBND-KTN chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với cơn bão số 3 đang diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) - cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để cập nhật thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó với thiên tai.

Các địa phương chủ động rà soát, lên phương án sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; đảm bảo chỗ ở tạm, lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ phải di dời.

Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, nhà máy, cơ sở sản xuất, hệ thống lưới điện, viễn thông… Trường hợp phát sinh tình huống phức tạp, vượt quá khả năng xử lý, các địa phương kịp thời báo cáo, đề nghị các sở, ngành chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn giải pháp ứng phó phù hợp.

UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu bố trí lực lượng kiểm soát tại các điểm ngập sâu, tràn, ngầm, kiên quyết không để người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn.

Sở NNMT tỉnh Tuyên Quang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thời tiết, cập nhật dự báo và chỉ đạo địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai. Đặc biệt cần đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập thủy lợi, hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh có trách nhiệm rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khi có tình huống xảy ra. Các sở, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ chủ động chỉ đạo ứng phó, kiểm tra an toàn công trình hạ tầng và chuẩn bị vật tư, thiết bị cứu hộ.

Trước đó, chiều 19.7, mưa dông, gió lớn đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, hư hại tài sản của người dân tại các xã, phường trong tỉnh Tuyên Quang.

Bắc Ninh chỉ đạo khẩn

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Ninh vừa có công văn số 94-CV/TU yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng ủy UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Đảng ủy các xã, phường khẩn trương chỉ đạo ứng phó với bão số 3 (bão Wipha).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại hồ Cấm Sơn. Ảnh: Hữu Thắng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại hồ Cấm Sơn. Ảnh: Hữu Thắng

Dự báo đổ bộ vào đất liền nước ta ngày 22.7.2025 và hướng đi của bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Bắc Ninh, có thể gây mưa lớn trên diện rộng trong những ngày tới, lũ trên các sông, suối sẽ dâng cao, có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt tại một số địa phương.

Để chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời với bão, mưa lũ, úng ngập trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 3 (bão Wipha).

Chỉ đạo các ngành liên quan, UBND cấp xã tổ chức trực ban 24/24h, có phương án chủ động phòng ngừa, ứng phó bão, lũ ở mức cao nhất, theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Chỉ đạo phân công lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đang thi công dở dang để bảo đảm an toàn.

Chỉ đạo xây dựng phương án tiêu thoát nước, chống ngập úng kịp thời,hiệu quả cho khu vực đô thị, khu dân cư tập trung và vùng sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các địa bàn thấp trũng, dễ úng ngập.

Báo cáo Thường trực Tỉnh ủy (qua Văn phòng Tỉnh ủy, thời gian trước 17 giờ 00 phút hằng ngày cho đến khi kết thúc bão Wipha) về tình hình, ảnh hưởng, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do bão Wipha gây ra trên địa bàn.

Đảng ủy các xã, phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị của địa phương để thực hiện tốt công tác ứng phó, phòng, chống bão, lũ, nhất là các địa phương, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ; chỉ đạo tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho, các dự án đang thi công.

Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống thoát nước tại các khu đô thị, công nghiệp có nguy cơ cao xảy ra úng ngập, chủ động khơi thông dòng chảy, bố trí lực lượng tăng cường tuần tra canh gác tại các vị trí kênh tiêu, hố ga tiêu thoát nước; sẵn sàng phương án kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn.

Ứng phó với bão số 3, Đà Nẵng yêu cầu bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND, yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3, được dự báo có sức gió rất mạnh.

Tùy theo diễn biến, thành phố Đà Nẵng sẽ chủ động quyết định việc cấm biển để ứng phó với bão số 3. Ảnh: An Thượng
Tùy theo diễn biến, thành phố Đà Nẵng sẽ chủ động quyết định việc cấm biển để ứng phó với bão số 3. Ảnh: An Thượng

Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phải theo dõi sát diễn biến của bão để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống. Ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, đặc biệt tại các khu du lịch, khu vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, các công trình ven biển, sông, suối và khu vực có nguy cơ sạt lở.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố được giao chỉ đạo Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng nhanh chóng thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt là tại vùng biển Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ, biết vị trí và hướng đi của bão để thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kêu gọi tàu thuyền khẩn trương tìm nơi trú ẩn an toàn. Công tác kiểm đếm tàu thuyền phải được duy trì liên tục. Tùy theo diễn biến, thành phố sẽ chủ động quyết định việc cấm biển.

Công an thành phố được yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan để hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn tại âu thuyền Thọ Quang, vịnh Mân Quang, đồng thời triển khai phương án phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự. Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng có trách nhiệm rà soát, đảm bảo an toàn cho các tàu hàng trong vịnh. Các đơn vị cũng được chỉ đạo kiểm tra an toàn các hồ chứa nước, sẵn sàng phương án ứng phó sự cố.

Hà Tĩnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn

Theo báo cáo, ngày và đêm 21.7, vùng biển Hà Tĩnh có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, riêng phía Bắc có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 9. Sóng biển cao 2,0 - 4,0m. Biển động rất mạnh.

Điều kiện thời tiết và hải văn cực kỳ nguy hiểm, không an toàn cho bất kỳ phương tiện nào hoạt động trên biển, kể cả tàu du lịch, tàu chở khách và tàu vận tải và có khả năng lật úp tàu thuyền, làm hư hỏng lồng bè, đe dọa tính mạng của ngư dân nếu còn hoạt động trên biển.

Từ ngày 21.7 đến ngày 23.7, khu vực Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam cơn bão số 3 nên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Lượng mưa khu vực phía Nam phổ biến 50 - 100mm, phía Bắc 100 - 200mm, có nơi trên 250mm.

Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 3.983 phương tiện/10.994 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.

Hiện đã có 3.979 phương tiện/10.979 lao động neo đậu tại các bến, bãi (không ra khơi). 4 phương tiện/15 lao động đã nắm được thông tin về bão số 3.

Hiện tại mực nước các hồ chứa lớn đang ở mức trung bình. Đề phòng lượng mưa lớn bất thường có thể xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa chủ động triển khai các biện pháp an toàn đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Đến nay, ảnh hưởng giông lốc chiều ngày 19.7, tại tỉnh Hà Tĩnh đang có 2 người bị mất tích.

Trong đó có 1 thuyền viên là ông Hoàng Văn M (SN 1967, trú tại thôn Đông Tây, xã Cổ Đạm) và 1 người dân nghi tắm biển bị cuốn trôi là anh Lê Huy C (SN 1987, trú tại phường Trần Phú).

Hiện địa phương đang tổ chức lực lượng tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Hiện tỉnh đã chỉ đạp huy động lực lượng, tìm kiếm người và hỗ trợ trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục ảnh hưởng do lốc xoáy xảy ra tối 19.7, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Yêu cầu các địa phương, ngành chức năng quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các khu neo đậu an toàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra trên biển.

Chỉ đạo các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, nguy hiểm và thông báo đến từng hộ dân sinh sống tại các khu vự có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán an toàn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h tại các cơ quan, đơn vị để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo.

Toàn bộ 358 phương tiện đang hoạt động trên biểntại Quảng Trị nhận được cảnh báo

Sáng 21.7, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Trị cho biết, đã ban hành thông báo và kích hoạt các phương án ứng phó với bão số 3 - Wipha nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là các tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7h cùng ngày, tâm bão số 3 ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc - 109,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 15–20km/h.

Trước diễn biến của bão, UBND tỉnh Quảng Trị đã phát hành Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 20.7 yêu cầu các địa phương, ngành chức năng khẩn trương rà soát, thực hiện nghiêm các phương án phòng chống bão. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo từ ngày 17-18.7, trong đó yêu cầu đặc biệt chú ý đến công tác theo dõi tàu thuyền và cảnh báo ngư dân trên biển.

Tính đến 10h ngày 21.7, toàn tỉnh Quảng Trị có 358 phương tiện/1.589 lao động đang hoạt động ngoài khơi. Trong đó, có 87 tàu ở vùng biển ven bờ, 34 tàu tại Vịnh Bắc Bộ, 236 tàu hoạt động từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và 1 tàu đang ở khu vực từ Lâm Đồng đến Cà Mau. Theo báo cáo từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, tất cả các tàu này đều đã được thông báo kịp thời về vị trí và hướng di chuyển của bão.

Công tác tuyên truyền, cảnh báo được triển khai rộng rãi qua hệ thống phát thanh cơ sở, báo chí, mạng xã hội và các kênh trực tiếp tại địa phương. Chính quyền các cấp được yêu cầu duy trì chế độ trực ban 24/24, sẵn sàng phương án sơ tán, cứu hộ khi cần thiết.

Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai tỉnh khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão, cập nhật thường xuyên và báo cáo kịp thời để không bị động trong mọi tình huống thiên tai trên biển cũng như trên đất liền.

Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang cảnh báo mưa lớn diện rộng

Do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 3, khu vực trung tâm tỉnh Thái Nguyên dự báo có mưa to lên đến 200mm.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Thái Nguyên, từ tối và đêm 21.7, các khu vực trong tỉnh có gió mạnh cấp 3-4, giật cấp 6.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên từ ngày 21.7 đến ngày 23.7 khu vực tỉnh Thái Nguyên có khả năng xảy ra mưa lớn diện rộng. Lượng mưa phổ biến từ 80-150mm, riêng khu vực trung tâm hành chính và phía tây nam tỉnh có thể đạt 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn có thể gây ngập úng đô thị, ách tắc giao thông, trơn trượt, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn đạt cấp 1.

Khu vực trung tâm hành chính tỉnh như phường Phan Đình Phùng, Linh Sơn, Gia Sàng, Quan Triều... lượng mưa có thể lên đến 200mm.

Tại Phú Thọ, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, dự báo từ chiều ngày 21.7 đến chiều ngày 23.7, trên địa bàn sẽ có mưa lớn, cục bộ có nơi trên 250mm.

Hồi 9h ngày 21.7, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Phú Thọ (thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ) đã phát đi tin Dự báo mưa lớn tỉnh Phú Thọ. Theo đó, dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ chiều nay (21.7) đến chiều ngày 23.7 trên khu vực tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to và dông, với lượng mưa phổ biến 70-150mm, riêng phía Tây và Tây Nam 100-200mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Trong mưa dông có khả năng xây ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn 100mm/3h.

Các nơi được dự báo sẽ có mưa lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Văn bản.
Các nơi được dự báo sẽ có lượng mưa lớn từ ngày 21 đến 23.7. Ảnh: Văn bản.

Tin đưa ra cảnh báo, từ đêm 23.7 đến hết ngày 24.7, trên khu vực tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 1.

Mưa lớn có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc.

Cùng với đó, mưa lớn có thể gây ngập úng cây trồng. làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đồ gây thiệt hại cho mùa màng; làm quá tải hệ thống thoát nuớc đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường và giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc hoàn lưu cơn bão số 3 (sau là vùng áp thấp suy yếu từ bão), từ tối 21.7 đến sáng 23.7, tỉnh Tuyên Quang có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to đặc biệt tại khu vực vùng núi thấp phía Nam tỉnh.

Trong cơn dông khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa cục bộ trong thời gian ngắn (>=100mm/3h).

Đặc biệt các xã như Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và phường Minh Xuân tổng lượng mưa dự báo từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang cảnh báo cấp 1 về độ rủi ro thiên tai do mưa lớn. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đặc biệt là các khu vực có địa hình dốc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật