EU âm thầm toan tính nước cờ mới về khí đốt Nga
Một nước cờ đầy toan tính về khí đốt Nga đang được Liên minh châu Âu (EU) âm thầm chuẩn bị.
Một giàn khoan khí đốt Nga của tập đoàn dầu khí Gazprom. Ảnh: Gazprom
Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc cho phép các doanh nghiệp EU đơn phương chấm dứt hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga mà không cần trả một xu tiền phạt.
Đây là bước đi táo bạo nằm trong lộ trình "cai" hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2027 - một mục tiêu từng được các lãnh đạo EU cam kết sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra vào năm 2022.
Theo tờ Financial Times, ba quan chức EU tiết lộ rằng EC đang nghiên cứu khả năng cho phép các công ty châu Âu viện dẫn điều khoản force majeure (bất khả kháng) để đơn phương rút khỏi các hợp đồng khí đốt với Nga mà không bị phạt vi phạm.
Thông thường, điều khoản này chỉ được áp dụng trong những tình huống bất ngờ như thiên tai, chiến tranh, hoặc những biến cố nằm ngoài kiểm soát. Tuy nhiên, EC đang cố gắng "cấu trúc lại định nghĩa", biến nó thành một công cụ pháp lý để phục vụ mục tiêu chính trị: thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Mátxcơva.
Phát ngôn viên EC từ chối bình luận, song kế hoạch này dự kiến sẽ được đưa vào tài liệu chính sách công bố vào ngày 6.5 tới, sau nhiều lần trì hoãn.
Theo thống kê của EU, lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm 2024 đã giảm mạnh còn 52 tỉ m3, so với mức 150 tỉ m3 năm 2021. Tuy nhiên, điều trớ trêu là châu Âu lại mua khí tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga nhiều kỷ lục, khiến tổng lượng nhập tăng 18% trong năm qua.
Một trạm đo khí đốt của Gazprom. Ảnh: Gazprom
Dòng khí đốt đường ống qua Ukraina đã chấm dứt từ ngày 1.1.2025, sau khi thỏa thuận trung chuyển kết thúc. Dẫu vậy, đường ống dẫn khí TurkStream qua Thổ Nhĩ Kỳ vẫn vận hành đều đặn, bơm 56 triệu m3/ngày trong tháng 2, tăng 11% so với tháng 1.
Theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember, "những con số này đang đe dọa mục tiêu chấm dứt khí đốt Nga vào năm 2027".
Bất chấp những khẩu hiệu chính trị, nhiều doanh nghiệp lớn ở Pháp và Đức đang bàn đến khả năng quay lại với khí đốt Nga nếu có "hòa bình hợp lý" tại Ukraina.
Ông Didier Holleaux, Phó Chủ tịch Tập đoàn Engie (Pháp), nói với Reuters: "Nếu có hòa bình, chúng tôi có thể quay lại mức nhập 60-70 tỉ m3 mỗi năm, bao gồm cả LNG". Engie từng là một trong những khách hàng lớn nhất của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom.
Tại Đức, nơi từng phụ thuộc tới 55% nguồn khí từ Nga, giới công nghiệp đang âm thầm vận động cho phương án mở lại dòng chảy.
“Khí đốt Nga rẻ hơn bất kỳ gói trợ giá nào hiện nay” - ông Christof Guenther, Giám đốc khu công nghiệp hóa chất InfraLeuna, nơi đặt nhà máy của Dow Chemical và Shell, phát biểu. “Ai cũng nghĩ thế, nhưng chẳng ai dám nói ra” - ông nói thêm.
Trong khi đó, Nga cũng đang chịu áp lực từ chính thị trường. Các động thái tăng thuế và lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã khiến xuất khẩu dầu Nga lao dốc.
Theo Bloomberg, sản lượng dầu xuất cảng từ Nga trong 4 tuần tính đến ngày 13.4 giảm xuống còn 3,13 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Giá trị xuất khẩu dầu thô Nga cũng rớt xuống chỉ còn 1,29 tỉ USD/tuần, thấp nhất từ giữa năm 2023.
Dường như, cả EU lẫn Nga đều đang phải tính toán từng nước cờ - không chỉ trên chiến trường Ukraina, mà còn trên bàn cờ năng lượng toàn cầu.