Cần xây dựng hành lang pháp lý toàn diện về an toàn hạt nhân
Việc phát triển điện hạt nhân đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý về an toàn và bồi thường thiệt hại do năng lượng nguyên tử gây ra.
![]() |
Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp luật về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”. Ảnh: UEL |
Đây là nội dung chính được các chuyên gia trao đổi trong tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp luật về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, diễn ra vào chiều 18/4 tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM (UEL).
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu "Hoàn thiện khung pháp luật về bồi thường thiệt hại sự cố bức xạ hạt nhân hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng về 0" do nhóm nghiên cứu của UEL thực hiện.
Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới.
PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL phát biểu khai mạc. Ảnh: UEL
PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó Hiệu trưởng UEL nhấn mạnh: "Khung pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có phạm vi rất rộng, gồm nhiều nội dung chuyên sâu. Tọa đàm hôm nay chỉ tập trung thảo luận một phần quan trọng trong tổng thể đó, liên quan đến bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử".
PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế UEL cho rằng, việc áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự để xử lý bồi thường trong lĩnh vực hạt nhân hiện còn nhiều điểm cần làm rõ.
Chẳng hạn, thiệt hại về sức khỏe do sự cố phóng xạ có thể kéo dài âm ỉ hàng chục năm, gây khó khăn trong việc xác định mức độ và nguyên nhân thiệt hại.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định loại trừ trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, chiến tranh…, do đó cũng cần làm rõ các trường hợp loại trừ trách nhiệm trong bối cảnh sự cố hạt nhân.
PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế UEL trình bày tại tọa đàm. Ảnh: UEL
Trên thế giới, hiện có 3 công ước quốc tế liên quan đến bồi thường thiệt hại hạt nhân là Công ước Vienna, Công ước Paris và Công ước bổ sung (CSC). Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn chưa tham gia bất kỳ công ước nào trong số này.
TS Đào Gia Phúc – Viện trưởng Viện Pháp luật quốc tế và So sánh đề xuất Việt Nam cần sớm tham gia một trong các công ước quốc tế này để thể hiện trách nhiệm quốc tế và vai trò tiên phong nếu trở thành quốc gia đầu tiên trong ASEAN sở hữu nhà máy điện hạt nhân.
Từ những bài học lịch sử như thảm họa Fukushima (Nhật Bản), Chernobyl (Ukraine) hay sự cố tại lò phản ứng số 2 ở bang Pennsylvania (Hoa Kỳ), các chuyên gia nhấn mạnh vai trò cấp thiết của một hệ thống pháp lý chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Theo Bộ Công Thương, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến đặt tại Ninh Thuận, với mốc vận hành sớm nhất vào năm 2031 và muộn nhất năm 2035.
Các chuyên gia đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý về an toàn và bồi thường thiệt hại do năng lượng nguyên tử gây ra. Ảnh: UEL
TS Lê Chí Dũng – chuyên gia về pháp quy hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Việt Nam phải xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ, bám sát chuẩn mực của IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), bao gồm các quy định rõ ràng cho từng giai đoạn: địa điểm – thiết kế – xây dựng – vận hành thử – vận hành – chấm dứt hoạt động.
Về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại, dự thảo Luật hiện hành quy định TAND cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố là cơ quan tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, các chuyên gia đặt vấn đề, liệu TAND cấp tỉnh đủ năng lực chuyên môn để đảm nhiệm trách nhiệm này hay không.
Trong trường hợp quy định này được thông qua, TAND Tối cao sẽ cần có kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực xét xử cho đội ngũ thẩm phán, phục vụ việc giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực đặc thù như năng lượng hạt nhân.