Trung Quốc: Kỳ vọng từ việc đào tạo nhân tài AI
Với nhiều người dân Trung Quốc, DeepSeek là minh chứng sống động cho chất lượng và sức mạnh của hệ thống giáo dục trong nước.
Các nhân tài công nghệ Trung Quốc vẫn gặp nhiều rào cản về đổi mới sáng tạo. |
Sự phát triển vượt bậc của DeepSeek, công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc, là bằng chứng rõ nét về năng lực đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài của Trung Quốc.
Trong bối cảnh cuộc đua AI toàn cầu ngày càng khốc liệt, thành công của DeepSeek làm dấy lên những câu hỏi then chốt: Liệu Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành trung tâm đổi mới công nghệ toàn cầu? Và đâu là rào cản còn lại trên con đường đó?
Với nhiều người dân Trung Quốc, DeepSeek là minh chứng sống động cho chất lượng và sức mạnh của hệ thống giáo dục trong nước. Điều đáng chú ý là toàn bộ đội ngũ phát triển chủ chốt của DeepSeek đều được đào tạo tại các trường đại học trong nước. Đây là khác biệt lớn so với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vốn dựa vào nhân tài du học trở về.
Ông Pavel Durov, nhà sáng lập ứng dụng Telegram, nhận định rằng thành công của DeepSeek phản ánh “sự cạnh tranh khốc liệt” trong hệ thống Giáo dục Trung Quốc. Chuyên gia này cảnh báo nếu Mỹ không cải cách giáo dục, họ có thể đánh mất vị thế công nghệ vào tay Trung Quốc.
Những con số cũng củng cố nhận định này. Trung Quốc đã đào tạo số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) cao gấp 4 lần so với Mỹ trong năm 2020. Theo nhóm nghiên cứu MacroPolo, gần một nửa số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới vào năm 2022 xuất thân từ các trường đại học Trung Quốc.
Tuy nhiên, giáo dục là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ để đổi mới. Trong nhiều năm, hệ thống giáo dục Trung Quốc bị chỉ trích là quá nặng về thi cử, chú trọng vào học thuộc lòng và điểm số. Giáo dục đồng thời xem nhẹ tư duy phản biện và khả năng sáng tạo, những yếu tố then chốt của đổi mới công nghệ.
Trong bối cảnh đó, DeepSeek xuất hiện như một ngoại lệ đáng chú ý. Người sáng lập Liang Wenfeng không chỉ có nền tảng học thuật vững chắc mà còn chủ trương xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tự do trí tuệ, thay vì chạy theo lợi nhuận tức thì. Ông thậm chí còn khuyến khích tuyển dụng nhân sự từ khối ngành nhân văn. Đây là điểm hiếm thấy trong các công ty công nghệ Trung Quốc để xây dựng môi trường đổi mới toàn diện hơn.
DeepSeek cũng tránh được “vết xe đổ” của các công ty công nghệ khác nhờ giữ thái độ khiêm tốn và ít phô trương. Quan trọng hơn, công ty được tài trợ bởi lợi nhuận từ quỹ đầu cơ mẹ, giúp giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư mạo hiểm và các ràng buộc chính trị thường thấy.
Tuy thành công của DeepSeek là một cột mốc đáng tự hào, nhưng liệu nó có thể trở thành chuẩn mực cho ngành công nghệ Trung Quốc hay không lại là một câu hỏi khác. Ông Damien Ma, nhà sáng lập MacroPolo, nhận xét: “Trung Quốc đang đào tạo rất nhiều tài năng, nhưng nếu môi trường trong nước không thay đổi, Trung Quốc có thể mất đi chính những tài năng mà họ đã mất công đào tạo”.
Ủy ban Đảng Cộng sản tỉnh Chiết Giang gần đây đã kêu gọi “tin tưởng vào tài năng trẻ” và trao “nhiều quyền kiểm soát hơn cho các công ty tiên phong”. Nhưng nước này sẽ cần nhiều hơn những lời kêu gọi. Nếu chính phủ thực sự muốn nuôi dưỡng một hệ sinh thái đổi mới bền vững, điều quan trọng nhất có thể là trao họ sự tự do trong phát triển chuyên môn, không gian đổi mới và lòng tin để nảy nở.
GS Yiran Chen, làm việc tại Đại học Duke, Mỹ, cho biết: “Khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc không nằm ở giáo dục kỹ thuật, mà là ở môi trường phát triển sau khi tốt nghiệp. Nhiều sinh viên Trung Quốc rơi vào các công ty có văn hóa làm việc khắc nghiệt, định hướng lợi nhuận ngắn hạn, và hạn chế quyền tự chủ trong nghiên cứu”.