A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều chỉnh giá nước sinh hoạt: Khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Theo dự thảo quyết định của UBND thành phố Hà Nội về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024. Việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng nước sạch của Thủ đô, khi nước sạch luôn là vấn đề "nóng", đặc biệt là những ngày nắng nóng.

Mức độ ảnh hưởng thấp hơn lợi ích

Theo đề xuất của Sở Tài chính gửi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024.

Cụ thể, giá bán lẻ nước sinh hoạt ở mức 10m3/hộ/tháng sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; Từ trên 10 - 20m3/hộ/tháng tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; Từ trên 20 - 30m3/hộ/tháng tăng từ 8.669 đồng/m3 lên 12.000 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024.

Đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Điều đáng nói, mặc dù có sự điều chỉnh về giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố, song Hà Nội vẫn giữa nguyên mức giá đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức giá 5.973 đồng/m3 cho 10m3 đầu tiên.

Bên cạnh đó, đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và bãi rác Xuân Sơn, thành phố Hà Nội đều có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân.

Điều chỉnh giá nước sinh hoạt: Khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Việc điều chỉnh giá nước sinh hoạt sẽ khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng nước thực tế ở khu vực nội thành đang ở mức 100 - 150 lít/ngày/người thì một hộ gia đình sẽ sử dụng 10 - 16m3/tháng, theo đó số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng/tháng.

Tương tự, tại khu vực nông thôn, hiện nay, mức tiêu thụ nước sạch của một hộ gia đình là 50 - 70 lít/ngày/người, tương đương 6 - 8m3/tháng… sau khi điều chỉnh, số tiền tăng thêm sẽ giao động từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng...

Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sẽ thấp hơn rất nhiều so với những lợi ích của việc điều chỉnh mang đến cho cộng đồng, đó là nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Nhu cầu cấp thiết phù hợp với thực tế

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, theo quy định, giá bán nước sạch cần được rà soát hằng năm và phải được điều chỉnh khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Tuy nhiên từ năm 2013 đến nay, mặc các chi phí đầu vào cùng một số loại thuế, phí liên quan đến sản xuất nước cũng đã tăng và được bổ sung... Song 10 năm nay, Hà Nội vẫn áp dụng giá tiêu thụ nước theo Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND TP Hà Nội.

“Không có địa phương nào áp giá nước sạch kéo dài tới tận 10 năm như Hà Nội. Đơn cử như tỉnh Phú Thọ điều chỉnh tăng năm 2018; Nam Định, Nghệ An năm 2019; Quảng Ninh, Hòa Bình năm 2022... Đáng chú ý, thành phố Hải Phòng quy định rõ 3 năm một lần điều chỉnh giá nước. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương tăng giá nước theo lộ trình từ tháng 8/2013 và hằng năm đều tự động tăng theo lộ trình...”, ông Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Điệp, thu nhập, mức sống của người dân Thủ đô so với các địa phương khác là khá cao, song giá nước bán ra tại Hà Nội lại đang ở mức rất thấp.

Theo khảo sát của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, giá tiêu thụ nước sạch bình quân khu vực đô thị của các địa phương như Phú Thọ, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh... cao hơn Hà Nội 10 - 45%.

Điều chỉnh giá nước sinh hoạt: Khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

Việc điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt cũng góp phần bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước

Có thể thấy rằng, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Cùng với đó, việc điều chỉnh giá nước còn nhằm khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho Nhân dân Thủ đô.

Việc UBND thành phố Hà Nội dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt từ ngày 1/7/2023 chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân. Song việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Phương án tăng giá nước đã được tính toán, áp dụng về nguyên tắc, phương pháp xác định giá, thẩm quyền quyết định giá theo đúng quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương án xác định giá.

Ngoài ra, với thực tế các chi phí cấu thành giá đều tăng, giá các yếu tố đầu vào đều đã tăng nên tính đến đến thời điểm hiện nay, giá nước theo quy định tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND và số 39/2013/QĐ-UBND đã không còn phù hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của các công ty cấp nước.

Do đó, việc không điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch có thể dẫn tới 4 tác động tiêu cực như: Không bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch; Không đủ điều kiện nâng cao chất lượng nước sạch; Không thu hút được các nhà đầu tư; Không khuyến khích sử dụng nước sạch tiết kiệm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật