A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải cách tiền lương phải thực chất và không cào bằng

Theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, khi điều chỉnh chính sách tiền lương cũng phải tính đến việc đảm bảo quyền lợi cho những người đang có phụ cấp không bị ảnh hưởng...

Cải cách tiền lương gắn với kiềm chế lạm phát

Cho ý kiến về chính sách cải cách tiền lương, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tăng lương cần phải song hành với kiềm chế lạm phát.

Theo đại biểu Mai, những năm qua, mức điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức, viên chức không kịp với sự tăng giá các mặt hàng trên thị trường.

"Nếu như chúng ta tăng lương mà không áp dụng song hành với các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương sẽ không đảm bảo", đại biểu chia sẻ.

Ngoài ra, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, việc tăng lương phải thực chất và không cào bằng.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, khi tăng lương thì không còn phụ cấp khác. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người được hưởng phụ cấp ngoài lương còn rất nhiều.

Cải cách tiền lương phải thực chất và không cào bằng

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách (đoàn Hà Nội)

Do vậy, đại biểu cho rằng, khi điều chỉnh chính sách tiền lương cũng phải tính đến việc đảm bảo quyền lợi cho những người đang có phụ cấp không bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc tăng lương phải gắn với tinh giản biên chế, đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, nguồn kinh phí dành cho cải cách tiền lương đòi hỏi việc điều hành ngân sách cũng cần khoa học, linh hoạt, có kế hoạch cụ thể.

Theo đại biểu Lâm, điều này nhằm đảm bảo việc cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu đề ra; đồng thời phải đảm bảo kiềm chế được lạm phát.

Ngân sách đảm bảo đủ nguồn cải cách tiền lương

Trước đó, chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã thông tin về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Theo Bộ trưởng Phớc, đến hết năm 2022, nếu tính cả nguồn kinh phí cải cách tiền lương còn lại và nguồn bố trí từ tăng thu của ngân sách Trung ương các năm (bao gồm từ nguồn tăng thu năm 2022 đang trình các cấp) thì tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỷ đồng.

Cải cách tiền lương phải thực chất và không cào bằng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Với dự kiến thu - chi ngân sách Nhà nước năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 19.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.

Trong dự kiến bố trí các lĩnh vực, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, bố trí dự toán chi cải cách tiền lương năm 2024 (bao gồm nhu cầu kinh phí tăng thêm đảm bảo đủ thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ đầu năm và thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024).

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh nhất trí với tờ trình của Chính phủ để thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý, để đảm bảo triển khai chính sách dài hạn, cơ quan thẩm tra lưu ý, cần đánh giá, so sánh tổng thể chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực để thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026 và dự báo tới 2030, đảm bảo tính khả thi lâu dài theo lộ trình Nghị quyết 27-NQ/TW.

Ông Mạnh nhắc lại, tính đến hết 2023, tổng quỹ dành cho cải cách tiền lương là 486.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 112.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 374.000 tỷ đồng nhưng để đảm bảo nguồn lực, lộ trình cải cách tiền lương tới 2030 cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về tăng thu ngân sách bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, cần có chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt vì áp lực tăng chi ngân sách sẽ tăng cao. Cải cách tiền lương cần thực hiện đồng bộ với tăng lương cơ sở, đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan