A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải giữ được “lực lượng” tinh hoa trong bộ máy Nhà nước

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh như vậy khi làm rõ thêm vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập, tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay (5/11).

Tiếp tục phiên chất vấn sáng 5/11, trả lời chất vấn đại biểu nêu về việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành Y tế, Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, song một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.

Theo Bộ trưởng, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn.

Nguyên nhân do chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19; Sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt …

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ đơn vị sự nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp như: Tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp để có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc; Rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; Các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sự nghiệp cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải giữ được “lực lượng” tinh hoa trong bộ máy Nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia trả lời chất vấn

Làm rõ thêm vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, xây dựng tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp là nhằm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước giao và hoàn thiện các danh mục tự chủ để. Từ đó, xác định được các nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn khác phục vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ và chủ động.

Về nguyên tắc, đối với các dịch vụ thiết yếu thì Nhà nước đảm bảo về mặt kinh phí. Đối với các dịch vụ mà cơ bản thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Đối với dịch vụ mà đặc thù của một số ngành, lĩnh vực thì thực hiện theo cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu để tạo điều kiện cho các đơn vị ngoài công lập tham gia.

Cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu, Bộ trưởng cho biết thêm.

Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.

Cụ thể như nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… cho nên là các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tử chủ một phần. Tức là sẽ tự chủ phần chi thường xuyên, còn chi đầu tư, ví dụ như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới... thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải giữ được “lực lượng” tinh hoa trong bộ máy Nhà nước

Các đại biểu dự phiên chất vấn

Cũng theo Bộ trưởng, việc tự chủ tài chính tập trung ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và khoa học công nghệ. Giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Người dân được nhờ từ hai lĩnh vực này, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và tình hình học tập của người dân.

Do đó, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong hai lĩnh vực này cần phải thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh làm theo phong trào..

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, những đơn vị nào không thu hút được nguồn lực từ bên ngoài thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo để luôn luôn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và đảm bảo giữ được người có tài nhằm phục vụ người dân tốt nhất.

Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, việc trả lương của công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bởi sẽ giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, xây dựng, hoạch định chiến lược và để có thể quản lý Nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy, làm nền tảng cho sự phát triển đất nước.

Bộ trưởng nêu rõ cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh tuý nhất trong bộ máy Nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ Nhân dân tốt nhất.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật