A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Đề xuất xây hầm chứa nước để chống ngập úng

Ngày 2/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội đã trình bày báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn.

Ngày 2/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội họp Hội nghị lần thứ 9, bàn một số nội dung quan trọng, trong đó có báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, tình trạng úng ngập cục bộ ở TP.Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây luôn trở thành vấn đề nóng mỗi khi có mưa lớn, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại vật chất nhất định và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân, theo Tiền phong.

Đáng chú ý, không chỉ khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại cũng bị ngập... Các giải pháp, biện pháp mà các đơn vị đang thực hiện mỗi khi xảy ra úng ngập chỉ là biện pháp tạm thời.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch TP.Hà Nội đánh giá, hệ thống thoát nước Hà Nội mới chỉ thực hiện đầu tư cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch với diện tích 77,5km2; còn lại các khu vực khác mới bắt đầu hoặc đang nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.

ha noi xay ham chua nuoc

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn. Ảnh: Dân trí.

Những năm gần đây, tình hình phát triển đô thị nhanh, trong khi hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ đến 70mm/h sẽ xuất hiện 11 điểm úng ngập. Với lượng mưa đến 100mm/h sẽ xuất hiện 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư; ngập cục bộ một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.

Lý giải những nguyên nhân gây úng ngập, ông Tuấn cho rằng, do các điểm úng ngập ở vị trí điểm trũng, xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường dồn về nhanh gây ra các điểm ngập cục bộ. Mặt khác hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch.

Bên cạnh đó, lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng, làm cho hệ thống thoát nước luôn quá tải dẫn đến thời gian tập trung nước vào hệ thống nhanh, gây ra úng ngập cục bộ.

Ngoài ra, ông Tuấn cho hay, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp đặc biệt khu vực ngoại thành đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Đồng thời, hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ trong nội thành bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị.

Cũng theo ông Tuấn, để đảm bảo công tác thoát nước trên địa bàn, UBND TP đã chỉ đạo sở Xây dựng TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện một số giải pháp: Lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập; tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để đảm bảo thoát nước tại các vị trí xảy ra úng ngập.

Các đơn vị liên quan cũng tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời các trạm bơm, công trình đầu mối đảm bảo vận hành 100% công suất; thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước nhằm khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn thành phố; kiểm tra, bổ sung ga thu nước mưa, thay đổi miệng thu nước của ga thu để tăng khả năng thu nước vào hệ thống; nghiên cứu bổ sung và các bể điều tiết ngầm để giảm thiểu úng ngập tại nơi có địa hình trũng và xa nguồn xả...

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục từng bước triển khai Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải giai đoạn năm 2021 - 2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn năm 2021- 2025 của Thành phố, để giải quyết tình trạng thoát nước khu vực đô thị, nâng tỷ lệ nước thải đô thị đạt tiêu chuẩn vào năm 2025.

Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội giao sở Xây dựng TP.Hà Nội phối hợp với một số sở, ngành, đơn vị nghiên cứu, đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài, như đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị, nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc Sông Hồng…

Đặc biệt, TP.Hà Nội sẽ khảo sát và đề xuất phương án xử lý thoát nước tại một số khu vực hầm chui dân sinh Đại lộ Thăng Long; phối hợp với một số quận, huyện nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng một số hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật