Áp lực địa chất tích tụ gây động đất hủy diệt tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là trung tâm của một trong những khu vực có hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới, đồng thời sức tàn phá đã được tích tụ qua hàng thập kỷ.
Một phụ nữ khóc bên thi thể người thân tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
Các trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và nước láng giềng Syria hôm 6/2 với sức mạnh hủy diệt. Nó xảy ra ngay giữa khu vực có hoạt động địa chất tích cực hàng đầu thế giới.
Áp lực địa chất tích tụ qua nhiều thập kỷ khi các mảng kiến tạo vốn di chuyển chậm chạp bị va vào nhau, giải phóng ra năng lượng khổng lồ dưới dạng sóng trong vài giây. Các khối đất đá đột nhiên bị ma sát và trượt qua nhau, theo Financial Times.
Áp lực địa chấn tích tụ trong khu vực Thổ Nhĩ Kỳ khi mảng kiến tạo Arab đẩy mảng Anatilia về phía tây với tốc độ khoảng 2 cm mỗi năm, theo David Rothery, giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Mở ở Anh.
Chấn tiêu của vụ động đất khá nông (chỉ khoảng 18 km), gây ra thiệt hại lớn với các tòa nhà trên mặt đất, BBC cho biết.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm và cứu nạn quốc tế (ISAR) Đức sẵn sàng lên máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
Tâm chấn toàn cầu
Đây không phải lần đầu động đất xảy ra khi hai mảng này va chạm.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua 4 trận động đất kinh hoàng nhất trên toàn thế giới trong 50 năm qua, vào các năm 2020, 1999, 1983 và 1975", Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu Rủi ro và Thiên tai của Đại học London, nói.
Trận động đất đầu tiên hôm 6/2 xảy ra vào rạng sáng với với cường độ 7,8 độ, bắt nguồn từ đầu phía tây nam của đứt gãy Đông Anatolia, gần ngã ba giao với hệ thống đứt gãy Biển Chết. Chấn tiêu nông khiến trận động đất càng tàn khốc hơn.
Trận động đất lớn thứ hai chỉ kém mạnh hơn một chút với cường độ 7,5 độ, xảy ra 9 tiếng sau đó. Vị trí xảy ra cách tâm chấn trận động đất đầu tiên khoảng 100 km về phía đông bắc. Ngoài ra, còn hàng chục trận động đất nhỏ hoặc dư chấn khác.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát sau trận động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.
"Hai sự kiện gần như chắc chắn có mối liên hệ với nhau. Áp lực được giải phóng trên một vùng đứt gãy có thể làm tăng áp lực lên một vùng đứt gãy khác, sau đó nó tiếp tục gây ra thêm một trận động đất", Mark Allen, trưởng khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Durham ở Anh, cho biết.
Vùng đứt gãy Đông Anatolia, nơi xảy ra các vụ động đất hôm 6/2, đã tương đối yên tĩnh trong thế kỷ qua, nhưng đã gây ra một số trận động đất tàn khốc trong quá khứ.
Tháng 8/1822, một vụ động đất 7,4 độ đã được ghi nhận, gây ra thiệt hại lớn cho cư dân khu vực. Chỉ riêng thành phố Aleppo khi đó ghi nhận 7.000 ca tử vong.
Nhiều thị trấn đã bị cơn động đất hủy diệt hoàn toàn. Các cơn dư chấn vẫn còn xảy đến trong gần một năm sau đó.
Catherine Mottram, giảng viên cao cấp về cấu trúc địa chất và kiến tạo tại Đại học Portsmouth, cho biết phía nam Thổ Nhĩ Kỳ có cấu trúc địa chất "rất giống với đứt gãy San Andreas ở Bắc Mỹ".
Đứt gãy đan xen
Đứt gãy Bắc Anatolia chạy theo hướng đông-tây, dọc theo bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó hoạt động mạnh hơn đứt gãy Đông Anatolia trong thời gian gần đây.
Đứt gãy này đã gây ra trận động đất Izmit mạnh 7,6 độ năm 1999 khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng.
Dù vậy, hai đường đứt gãy cách nhau đủ xa, không đủ sức ảnh hưởng đến đường còn lại nếu xảy ra động đất ở một trong hai đường.
"Các nhà địa vật lý có thể tái tạo chính xác nơi chuyển động xảy ra dọc theo đứt gãy bằng cách tái tạo lại dữ liệu được thu thập bởi các máy đo địa chấn trong khu vực. Vì vậy, sẽ có thêm thông tin trong những ngày và tuần tới về chính xác những gì đã xảy ra", bà Mottram nói.
Người dân ngồi cùng nhau tại một nơi trú ẩn tạm thời sau trận động đất ở Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters.
Các nhà khoa học xã hội cũng sẽ quan sát hậu quả từ trận động đất. Nhiều quốc gia đã gấp rút đề nghị hợp tác và viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngay sau trận động đất, nhưng Ilan Kelman, giáo sư về thảm họa và sức khỏe tại Đại học College London, vẫn không lạc quan.
Nghiên cứu của ông về "ngoại giao thảm họa" cho rằng thiên tai không tạo ra hòa bình.
"Bên cạnh những thách thức về hậu cần của viện trợ nhân đạo trong bối cảnh bạo lực, kinh nghiệm cho thấy rằng sự thù hận là rào cản đối với việc cứu trợ và nỗ lực ngăn chặn chiến tranh", ông Kelman nói.