A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ 'lên ngôi'?

Báo cáo mới của VNDIRECT nhấn mạnh, thời gian tới, nhóm ngành Xây dựng hạ tầng – Vật liệu xây dựng – Hạ tầng viễn thông sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chủ đề đầu tư công. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới. Trong khi đó nhóm doanh nghiệp hạ tầng viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi từ gói kích thích 10.386 tỷ đồng (bao gồm 5.386 tỷ đồng đầu tư hạ tầng số & chuyển đổi số và 5.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng viễn thông, internet).

Cụ thể, xét về ngành Xây dựng hạ tầng giao thông, báo cáo kỳ vọng việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2022 sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng hạ tầng năm nay.

Các nhà thầu đã chứng minh được năng lực thi công và đang thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ được hưởng lợi chính từ chủ đề này. Bên cạnh đó, việc nhóm doanh nghiệp này đã vượt qua được những điều kiện đấu thầu khắt khe trước đây sẽ có tạo thêm ưu thế cho họ có thể tiếp tục tham gia các dự án hạ tầng lớn tiếp theo trong giai đoạn 2021-2025.

Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ lên ngôi? - Ảnh 1.

Các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công. Nguồn: VNDIRECT, Bộ Giao thông vận tải

Đối với ngành Thép xây dựng, trong năm 2022, VNDIRECT kỳ vọng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam sẽ tăng trưởng 10-15% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi tăng tốc phát triển hạ tầng nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công. Ngoài ra, thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2022 do lãi suất giảm và nguồn cung mới mở bán cao hơn. Đáng chú ý, các doanh nghiệp sở hữu thị phần hàng đầu và hệ thống phân phối rộng khắp sẽ được hưởng lợi chính từ tăng trưởng nhu cầu nguyên vật liệu trong năm nay.

Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ lên ngôi? - Ảnh 2.

Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2022. Nguồn: VNDIRECT, VSA.

Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ lên ngôi? - Ảnh 3.

Thị phần thép xây dựng Việt Nam 11 tháng đầu năm 2021. Nguồn: VNDIRECT, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)

Còn với ngành Đá xây dựng, do đặc thù của ngành đá xây dựng, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ. Do đó, những doanh nghiệp niêm yết sở hữu những mỏ đá nằm gần các dự án cao tốc sẽ được ưu tiên huy động nhờ ưu thế về vị trí và chất lượng sản phẩm.

Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ lên ngôi? - Ảnh 4.

Các mỏ khai thác của các doanh nghiệp niêm yết. Nguồn: VNDIRECT, Báo cáo công ty

VNDIRECT ước tính, các dự án hạ tầng lớn ở phía Nam (gồm cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Phan Thiết-Dầu Giây và Sân bay Long Thành) sẽ cần từ 30-32 triệu m3 đá xây dựng trong giai đoạn 2020-25, tương đương 150-160% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành.

Chính phủ đang đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng tại sân bay Long Thành (giai đoạn 1) trong tháng 2/2022 và sẽ bắt đầu tiến hành san nền tại dự án, từ đó kích thích nhu cầu đá xây dựng tại khu vực trong năm 2022-23. VNDIRECT cho rằng, các công ty niêm yết đang sở hữu cụm mỏ Tân Cang và Thiện Tân sẽ được ưu tiên huy động. Dự án trọng điểm này sẽ là động lực lớn thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp đá xây dựng trong năm 2022-23.

Điểm lại loạt dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý đang được thi công: Nhóm ngành nào sẽ lên ngôi? - Ảnh 5.

Vị trí các mỏ đá xây dựng và dự án Sân bay Long Thành. Nguồn: VNDIRECT, Báo cáo công ty

Cuối cùng, xét về ngành Nhựa đường, vì chưa có số liệu thống kê về ngành nhựa đường Việt Nam, VNDIRECT so sánh mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành dựa trên Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - công ty đã duy trì khoảng 30% thị phần nhựa đường trong nước trong giai đoạn 2015-20.

Doanh thu nhựa đường của doanh nghiệp này đã tăng vọt trong giai đoạn 2014-2015, khi giải ngân vốn đầu tư công vào hạ tầng giao thông tăng mạnh. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thấp trong năm 2016-19 được cho là do ngân sách Nhà nước không ưu tiên và đầu tư tư nhân giảm nhiệt vào các dự án BOT, dẫn đến doanh thu nhựa đường của PLC giảm khoảng 50% so với năm 2014-2015.

Do việc rải nhựa đường thường diễn ra trong giai đoạn sau của các dự án xây dựng đường, nên VNDIRECT kỳ vọng các công ty sản xuất nhựa đường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong năm 2022-2023.

https://cafef.vn/diem-lai-loat-du-an-ha-tang-giao-thong-dang-chu-y-dang-duoc-thi-cong-nhom-nganh-nao-se-len-ngoi-20220118230532085.chn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật