A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần minh bạch, linh hoạt trong chính sách hỗ trợ đất đai cho doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách hỗ trợ đất đai cho doanh nghiệp cần minh bạch, linh hoạt và đồng bộ, gắn với hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 16.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Đa số các đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân không thể chỉ là khẩu hiệu mà phải thể chế hóa bằng những hành lang pháp lý, chính sách cụ thể, đủ mạnh, đủ dài hơi và mang tính đột phá.

Sử dụng đất đồng bộ nhưng gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lê Thu Hà - ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, phải thiết lập chiến lược sử dụng đất đồng bộ nhưng gắn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đại biểu, chính sách hỗ trợ đất đai cần minh bạch và linh hoạt để tạo đột phá cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, linh hoạt và đổi mới sáng tạo - đây là những lực lượng dễ bị tổn thương trong môi trường thể chế chưa ổn định và khó tiên liệu.

Đại biểu Lê Thu Hà góp ý về chính sách hỗ trợ đất đai đối với doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Lê Thu Hà góp ý về chính sách hỗ trợ đất đai đối với doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi

Từ thực tiễn, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng, chính sách đất đai phải dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi.

Một là, phải đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai, tránh tình trạng để dành đất nhưng không thể sử dụng.

Hai là, cần công khai thông tin đất đai qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, có kết nối với hạ tầng số và hệ thống đăng ký doanh nghiệp.

Ba là, cần phân định rõ giữa ưu đãi và hỗ trợ có điều kiện, để tránh bị lợi dụng chính sách, đặc biệt là trong xác lập giá thuê đất và tài sản công.

“Chính sách đất đai không chỉ là công cụ mà phải được xem là một cấu phần của thể chế quản lý tài nguyên công hiệu quả và minh bạch”, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh.

Đại biểu Hà đề nghị, cần thiết lập nền tảng số dùng chung, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các ngành như tài nguyên môi trường, tài chính, đầu tư khoa học - công nghệ, cập nhật thông tin theo thời gian thực để hỗ trợ phân bổ và giám sát chính sách, phân định rõ vai trò của trung ương trong việc xây dựng chuẩn dữ liệu, tiêu chí pháp lý, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo vốn đang phân mảnh trong nhiều luật chuyên ngành.

Thuế phải trở thành “cánh tay đồng hành” của doanh nghiệp

Đại biểu Trần Thị Vân - ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhận định, so với các chính sách khuyến khích khác như ưu đãi tín dụng, tiếp cận đất đai, đào tạo nhân lực, cải cách thủ tục hành chính thì miễn, giảm thuế có tác động nhanh, không phải qua nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Để chính sách miễn, giảm thuế thực sự hiệu quả, phù hợp thực tiễn, đại biểu Vân đề xuất cần nâng thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo thay vì thời hạn ngắn như trong dự thảo Nghị quyết đang quy định.

Theo bà Vân, chu kỳ phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường kéo dài từ 5 đến 7 năm, nhiều doanh nghiệp không có lãi trong giai đoạn đầu nên chính sách thuế ngắn hạn như hiện tại là chưa đủ mạnh để thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm cho chuyên gia, nhà khoa học đang làm việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là nhóm lực lượng quan trọng, nhưng cũng chịu áp lực thu nhập lớn khi tham gia vào môi trường rủi ro như khởi nghiệp.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, chính sách thuế hiện đang được xây dựng theo nguyên tắc “nuôi dưỡng nguồn thu”.

Theo Bộ trưởng, trong ngắn hạn có thể làm giảm thu ngân sách, nhưng về lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp có dư địa tài chính, đóng góp lớn hơn và bền vững hơn.

Riêng với quy định bỏ thuế khoán từ ngày 1.1.2026, Bộ trưởng cho rằng đây là hướng đi đúng, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tạo sân chơi công bằng và bền vững hơn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quochoi

Bộ trưởng cũng cho biết Bộ Tài chính đang chỉ đạo ngành thuế tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm chi phí tuân thủ, hỗ trợ hộ kinh doanh đăng ký và kê khai thuận tiện hơn.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi và thống nhất với các quy định hiện hành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật