Những buôn làng đặc biệt khó khăn ở Krông Năng chuyển mình phát triển
Đắk Lắk - Từ nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia và nỗ lực của chính quyền, người dân... nhiều buôn làng khó khăn ở huyện Krông Năng đã đổi thay từng ngày.
Người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Hồ (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) chuẩn bị đồ đạc đi làm rẫy. Ảnh: Bảo Trung
Buôn nghèo vươn lên
Anh Y Ban Alê (buôn Trang, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) nhớ lại: "Cách đây khoảng 5 năm, đường sá trong buôn chưa được bê tông hóa, đi lại khó khăn. Mỗi lúc mưa xuống, đường đất đỏ lầy lội, gần như không thể di chuyển bằng xe máy. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bà con khó phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững".
Đường sá buôn Trang, xã Ea Hồ được bê tông hóa, người dân đi lại thuận lợi. Ảnh: Bảo Trung
Nhờ nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Krông Năng, UBND xã Ea Hồ đã đầu tư cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường sá trong buôn.
Nhờ đó, bà con di chuyển được thuận lợi. Nhiều người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong buôn còn được chính quyền địa phương hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cuối năm 2024, anh Y Ban Alê và nhiều người khác trong buôn đã thoát khỏi diện hộ nghèo, trở thành hộ cận nghèo.
Cán bộ xã Ea Hồ đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Y Ban Alê. Ảnh: Bảo Trung
Anh Y Ban Alê cho biết: "Tôi cố gắng phấn đấu trong năm 2025 sẽ thoát nghèo bền vững. Tôi đặt mục tiêu này là nhờ vườn sầu riêng của gia đình đang có sản lượng tốt. Bên cạnh đó, tôi còn tập trung chăn nuôi gia súc. Mong cuối năm nay, tôi sẽ có lợi nhuận tốt từ việc bán nông sản để nuôi vợ cùng 3 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn".
Cách buôn Trang không xa, buôn Mrưm (thuộc diện vùng đặc biệt khó khăn của xã Ea Hồ) cũng đang đổi thay từng ngày. Minh chứng rõ nét nhất đó là đường sá trong buôn đa phần đã được bê tông hóa.
Xe công nông đi lại tấp nập mỗi sáng sớm. Đặc biệt, nhà văn hóa trong buôn đang được nâng cấp, sửa chữa để bà con có nơi sinh hoạt tập thể.
Nhà văn hóa buôn Mrưm được cải tạo, nâng cấp. Ảnh: Bảo Trung
Anh Y Táp Ksơr (Trưởng buôn Mrưm) cho biết: "Những năm qua, giá nông sản như sầu riêng, cà phê tăng cao, đời sống của bà con trong vùng được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không có những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước thì buôn chúng tôi cũng không được như ngày hôm nay".
Anh Y Táp Ksơr đi kiểm tra bò sinh sản của người dân trên địa bàn. Ảnh: Bảo Trung
"Đều đặn mỗi tuần tôi đều đi kiểm tra bò sinh sản của những hộ nghèo được cơ quan chức năng cấp (từ chương trình mục tiêu quốc gia). Qua đó, theo dõi tình trạng sức khỏe của gia súc, hướng dẫn người dân chăm sóc đúng cách để bò phát triển, sinh sản tốt", anh Y Táp nói thêm.
Cán bộ luôn gần dân, sát dân
Chị H'Phi La Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ chia sẻ: "Là người đồng bào dân tộc thiểu số nên tôi rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Điều người dân cần nhất là được chính quyền hỗ trợ vật tư sản xuất, bồn nước sạch, hạ tầng giao thông được nâng cấp...".
Theo bà H'Phi La, toàn xã 14 thôn, buôn, trong đó, có 9 buôn dân tộc thiểu số tại chỗ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Xã là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Krông Năng. Những năm qua, nhờ vào các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã đồng bộ, triển khai hiệu quả việc phân bổ kinh phí hợp lý cho từ khu vực.
Nhờ đó, số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm mạnh. Đến nay, toàn xã chỉ còn 798 hộ nghèo và 331 hộ cận nghèo. So với năm 2024, số hộ nghèo giảm 257 hộ, cận nghèo giảm 14 hộ. Đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương.
Cán bộ xã Ea Hồ đến tuyên truyền, vận động người dân ở các buôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Bảo Trung
"Đảng ủy, UBND xã còn chỉ đạo các trưởng thôn, buôn tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, vận dụng linh hoạt uy tín của những người có uy tín trên địa bàn để động viên, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cố gắng phấn đấu lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo", bà H'Phi La nói thêm.
Theo UBND huyện Krông Năng, đến đầu năm 2025, huyện còn khoảng 6.500 hộ nghèo, gần 3.400 hộ cận nghèo.
Đặc biệt, đầu tháng 5.2025, Phòng Dân tộc và Tôn giáo còn tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ thuật chăn nuôi Bò cái sinh sản thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình 1719.