A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, tạo chuyển biến tích cực trong dạy học

Nhiều giáo viên nhận định, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử, đặc biệt trong kỳ thi cấp quốc gia, là giải pháp để tạo chuyển biến tích cực cho môn học này.

Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, tạo chuyển biến tích cực trong dạy học

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Hải Nguyễn

Nhiều đổi mới trong đề thi

Phạm Anh Đức - sinh viên năm thứ 2 Học viện Ngoại giao - từng là học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử cho rằng, so với thời điểm em thi tốt nghiệp THPT cách đây 2 năm, đề thi môn Lịch sử đã có nhiều điểm mới, không chỉ về cấu trúc, cách đặt câu hỏi, mà còn ở nội dung.

“Phần trắc nghiệm 4 lựa chọn, cơ bản giống với đề thi chương trình cũ, tập trung vào kiến thức về các giai đoạn lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Tuy nhiên, cách đặt câu hỏi, đặt vấn đề có phần dài hơn; có những câu thí sinh được yêu cầu phải đọc 1 đoạn ngữ liệu rồi mới trả lời câu hỏi” - Đức phân tích.

Về độ khó, nam sinh cho rằng, nhìn chung câu hỏi phần này là kiến thức cơ bản, thí sinh dễ dàng làm được nếu học kỹ kiến thức trong SGK theo chương trình mới (đã được cập nhật kiến thức lịch sử giai đoạn sau năm 2000).

“Với phần câu hỏi chọn đáp án đúng/sai, đây là dạng đề thi mới so với chương trình cũ. Phần này là phần phân hóa thí sinh bởi đoạn dữ liệu đó chỉ là cơ sở ban đầu. Còn để xác định đúng sai ở các ý nhỏ phía dưới, học sinh phải hiểu bản chất vấn đề lịch sử, cần phải suy luận, phản biện vấn đề... Học sinh có thể làm sai nếu không hiểu rõ sự kiện, vấn đề lịch sử đó và bị đánh lừa - có khi chỉ sai 1-2 từ trong mệnh đề được cho” - Đức nói.

Về phía giáo viên, các thầy cô của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trở về trước đề thi năm nay đã gia tăng tỉ trọng câu hỏi sử dụng đoạn tư liệu, yêu cầu thí sinh phân tích thông tin, vận dụng kiến thức đã học, thí sinh không cần “học thuộc” nhiều sự kiện mà cần sử dụng những tư liệu lịch sử có sẵn để suy luận, giải quyết vấn đề. Đặc biệt, đề thi xuất hiện những nội dung mang tính thời sự, phù hợp với tình hình thực tế như vấn đề hội nhập quốc tế.

Lần đầu tiên chủ quyền biển đảo Việt Nam vào đề thi

Điểm đặc biệt trong các đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm nay là việc đề cập đến những nội dung về chủ quyền biển đảo của đất nước.

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) - cho rằng: “Yêu nước là phẩm chất đầu tiên trong 5 phẩm chất của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong các môn học phổ thông, Lịch sử là môn học bắt buộc và cũng là môn học có ưu thế giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc.

Học và thi môn Sử để giúp học sinh có cơ hội thu lượm và khắc sâu những tri thức cốt lõi, rèn luyện cho học sinh những nhận thức lịch sử, vận dụng được các bài học lịch sử của cha ông trong quá khứ để giải quyết những vấn đề cơ bản của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, góp phần hình thành và phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam” - thầy Hiếu nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng - giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhìn nhận, việc đổi mới cách ra đề thi sẽ thổi một luồng sinh khí mới, tác động tích cực đến việc đổi mới dạy - học lịch sử ở trường THPT.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật