Indonesia là đối thủ xứng tầm của Việt Nam
Kể từ khi lứa cầu thủ thuộc thế hệ 1999 trở về sau của bóng đá Indonesia có cơ hội được thi đấu và phát triển, họ có những sự thay đổi vượt bậc dưới thời HLV Shin Tae-yong.
Lì lợm, tốc độ và giàu sức mạnh vẫn luôn là nét đặc trưng của nền bóng đá xứ vạn đảo, nhưng ở thời điểm hiện tại, Indonesia cũng là một tập thể có tính tổ chức và khoa học.
Vòng bảng ấn tượng
Nếu những chân sút trẻ tuổi của Indonesia tận dụng tốt hơn những cơ hội mười mươi mà họ tạo ra trong gần như cả 4 trận đấu ở vòng bảng, thậm chí họ đã vượt qua Thái Lan và giành ngôi đầu.
Dẫu vậy, những gì các học trò của ông Shin Tae-yong đã làm được tại AFF Cup lần này vẫn thực sự ấn tượng.
So với Thái Lan và Việt Nam, Indonesia không thua kém ở những chỉ số tấn công và phòng ngự cơ bản. Họ có 12 bàn thắng sau 4 trận, con số ngang bằng đối thủ ở trận bán kết và chỉ kém Thái Lan 1 bàn. Họ tạo ra 31 pha dứt điểm, nhiều hơn Việt Nam, và cũng chỉ phải nhận 11 pha dứt điểm sau 4 trận đấu, con số chỉ nhiều hơn Việt Nam 1 lần dứt điểm.
Thậm chí, trong cuộc đối đầu trực tiếp với Thái Lan – đội bóng sở hữu hàng công có những thông số tốt nhất sau vòng bảng, đội bóng của ông Shin Tae-yong chỉ phải nhận tổng cộng 5 pha dứt điểm, với cú đá trúng đích duy nhất mang lại bàn thắng gỡ hoà của Sarach Yooyen.
Sức mạnh và độ lì lợm ở hàng phòng ngự, cùng phong cách tấn công ở tốc độ cao là những gì chiến lược gia người Hàn Quốc khai thác và áp dụng cho các học trò của mình.
Những tình huống tăng tốc điển hình vẫn là thứ xuất hiện trong khả năng tấn công của Indonesia.
Sức mạnh từ những pha phản công vẫn được Indonesia thể hiện.
Ở đó, sự bổ sung của những cầu thủ giàu kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu như cặp trung vệ Jordi Amat – Fachruddin Aryanto hay tiền vệ trung tâm Marc Klok được kết hợp cùng sức trẻ của lứa cầu thủ tài năng của nền bóng đá nước này. Đó là sự có mặt của cặp hậu vệ biên Asnawi Mangkualam (1999) và Pratama Arhan (2001), hay cặp đôi trên hàng công Egy Maulana (2000) và Witan Sulaeman (2001).
Hệ thống chiến thuật khoa học
So với thời gian đầu dẫn dắt Indonesia, ông Shin Tae-yong đã tạo ra một sự thay đổi đáng chú ý khi thay đổi từ hệ thống chiến thuật 5-4-1/3-4-3 sang sơ đồ 4-2-3-1. Với những gì Indonesia đã thể hiện, đây có thể được xem là một lựa chọn hợp lý của chiến lược gia người Hàn Quốc, khi đội bóng xứ vạn đảo vẫn duy trì được sự ổn định ở hàng phòng ngự, trong khi khai thác tốt hơn ở chất lượng của những cá nhân tấn công trong đội hình.
Những cơ hội tấn công, và các bàn thắng của Indonesia sau vòng bảng AFF Cup đều đến từ những đường tấn công ở tốc độ cao, nơi các cầu thủ tấn công có vị trí gần với vòng cấm đối phương, trong khi cặp hậu vệ biên Asnawi và Pratama đảm nhiệm vai trò giãn biên.
Asnawi có bóng ở hành lang biên phải.
Sơ đồ 4-2-3-1 của Indonesia yêu cầu hai hậu vệ biên dâng cao, đẩy các tiền vệ cánh chơi gần với khu vực trung lộ. Những tình huống tiếp cận khu vực 16m50 của đội bóng này thường được tổ chức với hình ảnh điển hình là việc Asnawi và Pratama bám biên, trong khi 3 tiền vệ tấn công cùng 1 tiền đạo chiếm lĩnh các khoảng trống ở trung lộ.
Quả tạt của Asnawi tìm đến Pratama.
Pha kiến tạo của Pratama cho Egy.
Với những mẫu tiền vệ công linh hoạt, đột biến và có tốc độ xử lý bóng nhanh, ông Shin có lí do để đặt Egy, Witan chơi gần nhau để gia tăng sức nặng và tính đa dạng cho những đợt lên bóng.
Giãn biên, rồi đưa bóng vào trung lộ.
Tình huống dẫn đến quả phạt đền trong trận đấu gặp Thái Lan.
Song song với đó, Indonesia cũng cho thấy một hình ảnh đầy tính tổ chức trong thời điểm phòng ngự ở phần sân nhà. Ông Shin Tae-yong có thể thay đổi hệ thống chiến thuật để gia tăng sức mạnh tấn công, nhưng sự quy củ ở trạng thái không có bóng vẫn là thứ chiến lược gia người Hàn Quốc duy trì.
Khối phòng ngự của Indonesia trước Thái Lan.
Đối phương chuyển tấn công, Indonesia sẵn sàng đối phó.
Không chỉ đến từ hệ thống phòng ngự, chất lượng phòng ngự cá nhân là điều Indonesia có thể tự tin. Họ sở hữu hai hậu vệ biên tương đối toàn diện ở bình diện khu vực, họ có sự bổ sung của Jordi Amat. Nếu cần, ông Shin cũng hoàn toàn không ngần ngại sử dụng những tiền vệ trung tâm có khả năng thu hồi bóng tốt để gia tăng sự chắc chắn cho thế trận phòng ngự của mình, như cái cách cầu thủ mang áo số 13 Rachmat Irianto đã làm được trước Thái Lan.
Có thể nhận thấy, Indonesia không phải đội bóng hướng đến sự áp đặt trận đấu trên phần sân đối phương. Các trận đấu của đại diện xứ vạn đảo đều diễn ra ở tốc độ cao, ở cả hai phần sân của mỗi đội. Các học trò của ông Shin Tae-yong sẵn sàng chiếm thế chủ động trong việc kiểm soát bóng, nhưng cũng hoàn toàn thoải mái khi lùi đội hình về phần sân nhà, phòng ngự quyết liệt như những gì họ đã làm trước Thái Lan.
Đó cũng phần nào là những điểm đặc trưng của đội tuyển Việt Nam tại kì AFF Cup lần này.
Hai phong cách chơi bóng có phần tương đồng ấy sẽ đối đầu với nhau trong một trận đấu khó đoán về mặt chiến thuật. Lợi thế sân nhà liệu có là nền tảng để ông Shin Tae-yong tự tin yêu cầu các học trò gây áp lực tầm cao và duy trì cường độ liên tục cả khi có bóng lẫn không bóng trước ĐT Việt Nam?
Nên nhớ, chính phong cách chơi bóng ấy đã khiến Indonesia của ông Shin Tae-yong không dưới một lần trở thành bại tướng dưới tay ông Park Hang-seo và ĐT Việt Nam.
Liệu với một lứa cầu thủ có chất lượng đồng đều hơn trong tay, Indonesia có sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm? Và liệu hình ảnh một đội tuyển Việt Nam phòng ngự phản công điển hình có xuất hiện trên sân Bung Karno?