Cần sớm Ban hành điều lệ khung Đại hội Thể thao toàn quốc 2026
Các đơn vị chờ đợi Điều lệ khung để chuẩn bị lực lượng cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026.
Chờ Điều lệ khung
Đại hội Thể thao toàn quốc lần 9-2022 tổ chức tại điểm tranh tài chính ở Quảng Ninh, Điều lệ khung dành cho thi đấu đã ban hành sát thời điểm khởi tranh vào tháng 8.2022.
Thời điểm quy định để các đơn vị phải đăng ký sơ bộ danh sách là trước ngày 15.9.2022 và hạn cuối đăng ký danh sách chính thức là 1.11.2022. Dễ thấy, các mốc thời điểm về đăng ký tại Đại hội thể thao toàn quốc lần 9-2022 rất sát nhau, từ đó không khỏi khiến nhiều đơn vị bị động trong kế hoạch của mình.
Trong một số ý kiến từng đưa ra, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Nam Nhân từng bày tỏ rằng, nhà quản lý cần xem xét kỹ lưỡng và từ những Đại hội đã tổ chức trước đây thì với Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 nên sớm ban hành Điều lệ khung. Bởi lẽ, Điều lệ khung sớm được ban hành đồng nghĩa các đơn vị nắm bắt được quy định cụ thể và có sự chuẩn bị lực lượng, tránh tới sát thời điểm tổ chức mới có được quyết định cuối cùng.
Từng có ý kiến cho rằng, khi Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 được phê duyệt thông qua thì chắc chắn Điều lệ khung được ban hành. Nếu Điều lệ khung của Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10-2026 được ban hành trong năm 2024, tất cả đơn vị trong cả nước sẽ có thời gian khoảng 2 năm chuẩn bị tối ưu lực lượng cho mình.
Hạn chế bất cập
Mỗi khi chuẩn bị chuyên môn hướng đến dự Đại hội thể thao toàn quốc, mục tiêu cao nhất của 65 đơn vị vẫn là kết quả huy chương.
Vì thế, điều trên hết là từng đơn vị muốn giữ chặt vận động viên, huấn luyện viên nòng cốt của mình (dựa trên các hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo...). Tuy nhiên, không thiếu trường hợp vận động viên nổi tiếng đã thay đổi đơn vị ngay trước thềm Đại hội Thể thao toàn quốc để giành huy chương cho đơn vị mới.
Điều lệ khung của Đại hội thể thao toàn quốc luôn quy định cụ thể nhất các điều về thời gian hợp đồng vận động viên với đơn vị chủ quản khi họ được đăng ký tranh tài giải này.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần 9-2022, điều lệ đã quy định rằng: “Vận động viên tham dự Đại hội phải là công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, không trong thời gian bị Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia, quốc tế hoặc bị cơ quan quản lý, sử dụng vận động viên kỷ luật cấm thi đấu; Mỗi vận động viên chỉ được đăng ký thi đấu ở một môn thể thao; Vận động viên được quyền đăng ký thi đấu cho địa phương, ngành khi có một trong các điều kiện sau: Có hợp đồng sử dụng vận động viên hoặc hợp đồng chuyển nhượng vận động viên hợp pháp được ký kết trước ngày 1.9.2022 (1 bản sao có công chứng của Hợp đồng này phải được gửi kèm theo Đăng ký chính thức cho Ban tổ chức đại hội).
Đối với các môn mà Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia đã ban hành Quy chế chuyển nhượng thực hiện theo Quy chế chuyển nhượng vận động viên. Có hộ khẩu thường trú, Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân xác nhận nơi cư trú của vận động viên. Có giấy xác nhận là vận động viên của ngành do Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng hoặc Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, Bộ Công an cấp; Trường hợp vận động viên không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không có giấy xác nhận của ngành hoặc khi xảy ra tranh chấp vận động viên giữa các đoàn thì Ban tổ chức đại hội sẽ căn cứ vào hợp đồng sử dụng vận động viên hoặc hợp đồng chuyển nhượng vận động viên để xem xét, giải quyết...”.
Dẫu thế, bất cập vẫn xảy ra. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9-2022 từng ghi nhận hai môn gặp sự chú ý về đăng ký vận động viên sau khi có các phản ánh chuyện “chuyển nhượng” không phù hợp điều lệ là kickboxing, bóng chuyền. Ban tổ chức từng môn đã xử lý từng trường hợp cụ thể. Trên thực tế còn phản ứng tại một số môn nhưng đều được giải quyết... êm thấm.