A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng 42%

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số được đẩy mạnh và kinh tế số phát triển và xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh xuyên quốc gia qua Internet.

Xu hướng tấn công mạng gia tăng trong nửa đầu năm 2022

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số được đẩy mạnh và kinh tế số phát triển và xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh xuyên quốc gia qua Internet.

Theo ghi nhận của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quan mạng. “Các vụ việc đã tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021. Đây là con số đáng báo động”, ông Cương cảnh báo.

Cung cấp thêm thông tin, ông Lê Quang Hà, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel nhận định bức tranh an ninh mạng tại Việt Nam còn phức tạp khi các cuộc tấn công tăng lên ở hầu hết các lĩnh vực.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao tăng 42% - Ảnh 1.

Ông Lê Quang Hà, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel

Ghi nhận từ hệ thống phân tích chia sẻ và nguy cơ của Công ty An ninh mạng Viettel trong năm 2021 cho thấy các tấn công Phishing vào Việt Nam đã tăng lên gấp 3 lần so với năm 2020 với khoảng 6.000 các website giả mạo, lừa đảo.

Hacker sử dụng nhiều phương thức, thậm chí nhiều công cụ đặc thù để phát tán tin nhắn giả, lừa đảo tới người dùng. Các cuộc tấn công APT nhắm vào hạ tầng số các lĩnh vực ngân hàng tài chính, giáo dục, giao thông vận tải...

Trong khi đó tấn công mã độc lây lan mã độc tại Việt Nam hiện nay rất phức tạp. Ông Hà đánh giá, một phần nguyên nhân là do hệ thống của doanh nghiệp xuất hiện nhiều điểm yếu và thói quen sử dụng Internet không an toàn của người dùng.

Một tình trạng nữa đó là các vụ việc lộ lọt dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, ông Hà cho hay đã có 35 vụ lộ lọt rao bán dữ liệu của các tổ chức ở nhiều lĩnh vực trong đó có cả các công ty công nghệ, giáo dục, bán lẻ, tài chính.

Dự báo các xu hướng tấn công mạng 

Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) dự báo tình hình an ninh mạng 6 tháng cuối 2022 đến đầu năm 2023 chiều hướng gia tăng và tập trung vào 7 xu hướng.

Cụ thể, tin tặc sẽ gia tăng các cuộc tấn công có chủ đích, chiếm quyền điều khiển nhằm vào các hệ thống thông tin trọng yếu. Mục tiêu tấn công của hacker vào các hệ thống thông tin trọng yếu không chỉ nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, khách hàng mà còn chiếm đoạt các thông tin quan trọng của các cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp.

Hoạt động phát tán thông tin xấu độc và thông tin sai sự thật sẽ tiếp tục gia tăng. Xu hướng này đòi hỏi người dùng nâng cao cảnh giác, thận trọng khi tiếp cận các thông tin trên không gian mạng.

Đáng chú ý, hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của tội phạm mạng có diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn, có tính chất xuyên quốc gia. Các phương thức thường được tội phạm sử dụng như nhắn tin, gọi điện lừa đảo; giả mạo các cơ quan thực thi pháp luật (công an, tòa án), các doanh nghiệp; lừa đảo thông qua các hoạt động TMĐT; lừa đảo thông qua các hình thức kinh doanh đa cấp, sàn giao dịch ảo, chứng khoán để lôi kéo người dùng giao dịch nhằm chiếm đoạt quyền đầu tư...

Đối với lừa đảo qua mạng thì hình thức tấn công, chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội trở nên phổ biến với phương thức tinh vi. Tình trạng mua bán dữ liệu gia tăng và diễn biến phức tạp khiến cho tình trạng lừa đảo qua không gian mạng cũng gia tăng. Các hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng xuất hiện liên tục.

Một xu hướng đang nở rộ hiện nay là hoạt động cho vay tín dụng đen trên mạng với lãi suất cao để thu lời bất chính tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện đang tồn tại trên 200 ứng dụng cho vay trực tuyến tại Việt Nam.

Các hoạt động vi phạm pháp luật trên Thương mại điện tử (TMĐT) trong 2 năm gần đây liên tục gia tăng khi các hoạt động mua/bán trên các sàn TMĐT ngày càng trở nên phổ biến hơn. Các đối tượng sử dụng mạng xã hội, sàn TMĐT để rao bán hàng giả, hàng nhái, vũ khí trái phép.... gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Sự bùng nổ của các thiết bị AI, IoT,... cũng là mối đe dọa an ninh mạng, trật tự xã hội hiện nay khi có quá nhiều truy cập. Theo nhận định, các mối đe dọa về IoT là vấn đề lớn và hiện chưa có giải pháp tổng thể đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các thiết bị này. Trước tình trạng trên, đã có nhiều vụ lộ lọt thông tin nhạy cảm được phát tán trên mạng trong thời gian qua, nhưng người dùng vẫn chủ quan, thiếu ý thức bảo mật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật