Lừa đảo việc làm, đòi nộp đủ 6.500 USD mới cho chuộc người từ Campuchia về
Sau khi được gia đình bỏ tiền ra chuộc về từ Campuchia, em P.P.T. (24 tuổi, trú huyện Chư Prông, Gia Lai) sống trong lo sợ nhóm đối tượng lừa đảo lại gây rắc rối, đe doạ.
Gia đình nạn nhân bức xúc xen lẫn lo sợ khi nói về việc nộp tiền chuộc người về. Ảnh: T.T
Lừa qua đào Bitcoin
Căn nhà nhỏ của em T. nằm giữa rẫy cao su bạt ngàn. Hơn một tháng sau khi trở về từ Campuchia, T. vẫn chưa hết lo sợ, em đang cố gắng làm việc kiếm tiền để phụ giúp bố mẹ trả nợ.
Cuối tháng 2/2022, T. lên mạng tìm việc làm thì có người lạ nhắn tin qua ứng dụng Zalo, cần tuyển người làm việc nhẹ lương cao ở Campuchia, bao ăn ở, sinh hoạt. Thấy lời mời gọi hứa hẹn hấp dẫn, em T. cùng một người bạn xách balo từ TP.Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Đã liên hệ từ trước, nhóm người chờ sẵn xe đón cả hai đi sâu vào địa phận tỉnh của Campuchia. Tại đây, T. và bạn của mình được nhóm đối tượng đưa cho 500 USD để mua áo quần, vật dụng sinh hoạt. Trong dãy phòng chật hẹp là nơi tá túc của hàng chục lao động Việt, hầu hết đều trẻ tuổi, thành thạo máy vi tính.
Hàng ngày, nhóm lao động trẻ này được các đối tượng yêu cầu... đào Bitcoin. Thời gian làm việc từ 17h chiều đến rạng sáng hôm sau, ngày ngủ đêm làm, trong căn phòng được lắp máy điều hòa chạy liên tục.
Dãy phòng được các đối tượng xăm trổ, hung bạo và luôn có "hàng nóng" trong người canh phòng cẩn mật. Dù làm việc quá tải, mệt mỏi, nhớ nhà nhưng các lao động không thể có cách trốn thoát ra ngoài. Chỉ cần có biểu hiện chống đối sẽ bị đánh đập, đe doạ, chích roi điện vào người.
T. được các đối tượng giao làm trưởng nhóm có nhiệm vụ cai quản các lao động khác đào Bitcoin. Nếu ai không chịu làm, than vãn sẽ bị T. trừng phạt bằng roi điện. Nếu T. không chịu làm theo lời thì ngược lại, bị chúng đánh đập, chích điện.
Nhóm đối tượng bảo kê nói nếu T. muốn trở về nhà thì phải nộp tiền chuộc, giá 6.500USD/người. Em T. liền gọi điện thoại trong đêm về báo với cha mẹ mình ở huyện Chư Prông.
Nộp đủ 6.500 USD mới cho chuộc về
Chị L.T.B.T (44 tuổi, huyện Chư Prông, mẹ em T.) cho biết, mới đầu nghe tin gia đình hoang mang, lo sợ, liền chạy vạy đi vay tiền đủ 150 triệu đồng để gửi vào tài khoản cho nhóm lừa đảo. Tài khoản ngân hàng có địa chỉ ở tỉnh Đồng Nai.
"Lúc đó lo sợ con mình gặp nạn, nên không cần biết tài khoản thật hay giả, đúng hay sai, tôi phải chuyển tiền vào. Nếu không chuyển đủ tiền, chúng sẽ đưa con mình trở lại nơi làm việc và cắt đứt liên lạc", chị T. nói.
May mắn hơn nhiều nạn nhân khác khi chuyển đủ tiền, nộp đúng thời hạn không thiếu một đồng, T. được các đối tượng chở đến gần cửa khẩu Mộc Bài, sau đó T. bắt xe đò một mạch trở về lại Gia Lai.
Khi trở về nhà, lại rộ lên thông tin em T. bị lừa qua Campuchia làm việc. Cả gia đình em lại lo sợ gặp rắc rối, sợ bị các đối tượng tìm cách trả thù khi địa chỉ nhà, thôn làng của em T. được ghi rõ, lan truyền trên mạng.
Ông N.M (55 tuổi, bố em T.) cho biết: "Rất bức xúc vì sự dã man, ngang ngược của nhóm đối tượng, tôi dẫn con trai lên báo tin với ngành chức năng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi âm gì, tôi nghĩ khó để lần ra manh mối nhóm này vì chúng ở địa bàn tỉnh khác, thậm chí sống bên Campuchia.
Giờ gia đình chỉ lo làm việc để bù lại số tiền đã mất cũng như mong người khác rút kinh nghiệm, cảnh giác với lời mời gọi việc nhẹ lương cao ở nước ngoài".
Qua thống kê chưa đầy đủ, tại Gia Lai có hàng chục trường hợp lao động bị lừa qua Campuchia làm việc. Mới đây, tại xã biên giới IaO, IaChía thuộc huyện IaGrai, có gần 10 trường hợp người dân bị lừa qua Campuchia lao động, đi theo đường tiểu ngạch. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp nhận thông tin để xử lý.
Tại xứ người, hầu hết người dân đều vỡ mộng vì bị lừa đảo, đối xử thậm tệ, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, bị nợ lương... Nếu ai chống đối sẽ bị ngược đãi, đánh đập, yêu cầu đòi tiền chuộc về.