Lễ hội Làng Sen và trầm tích văn hóa Việt Nam
Lễ hội Làng Sen được tổ chức hàng năm vào dịp 19.5 tại Nghệ An là thực hành nghi lễ tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - một hiện tượng văn hóa phức hợp, nơi hội tụ nhiều lớp văn hóa khác nhau trong cùng một không gian và thời gian lễ hội.
Lễ rước ảnh Bác Hồ từ Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên ra Sân vận động Làng Sen. Ảnh: Đình Tuyên
Các yếu tố và các tầng văn hóa
Lễ hội Làng Sen là sự kết hợp của nhiều tầng văn hóa: Văn hóa tâm linh - tín ngưỡng, văn hóa chính trị - dân sự, văn hóa dân gian - nghệ thuật truyền thống, văn hóa ký ức - biểu tượng cộng đồng, văn hóa giáo dục - đạo đức, văn hóa du lịch - kinh tế.
Tầng văn hóa đầu tiên dễ nhận thấy là tính tâm linh và tín ngưỡng. Việc dâng hương tưởng niệm, rước ảnh Bác Hồ từ quê mẹ Hoàng Trù về quê cha Kim Liên, hay tổ chức lễ tưởng niệm tại Quảng trường Hồ Chí Minh đều thể hiện rõ khía cạnh linh thiêng của sự kiện.
Từ tâm thức đó đã hình thành nhiều nghi lễ mang tính chất giao tiếp linh thiêng như: Lễ dâng hương - dâng hoa tại Khu di tích Kim Liên và Quảng trường Hồ Chí Minh. Lễ rước ảnh Bác là nghi thức tái hiện hành trình sinh dưỡng và tôn vinh cội nguồn linh thiêng. Lễ tưởng niệm và các hoạt động văn hóa như hát dân ca, trình diễn nghệ thuật đều mang tính “cúng dường văn hóa” - một dạng hành lễ cộng đồng mới.
Trong thực hành nghi lễ, không gian hành hương cộng đồng đã được hình thành. Hàng vạn người từ khắp nơi hành hương về Làng Sen trong lễ hội. Hành trình đó mang ý nghĩa không chỉ văn hóa mà còn tâm linh - như một cuộc “về nguồn” thiêng liêng, nối kết hiện tại với quá khứ.
Tầng văn hóa dân gian - nghệ thuật truyền thống của Lễ hội Làng Sen thể hiện qua các hoạt động văn hóa dân gian - những phương tiện nghệ thuật dùng để chuyển tải các lớp văn hóa khác của lễ hội. Đặc biệt, việc đưa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - vào không gian lễ hội đã góp phần làm nên bản sắc riêng của lễ hội, biến nơi đây thành điểm đến văn hóa đặc trưng của quê hương xứ Nghệ.
Trong lễ hội Làng Sen, tầng văn hóa sâu nhất nhưng có tác động lâu dài nhất chính là ký ức cộng đồng. Lễ hội giúp cộng đồng hồi tưởng lại những giá trị đã qua, tái hiện ký ức văn hóa, qua đó làm mới lại niềm tin và lòng yêu nước trong bối cảnh hiện tại.
Các gian hàng lưu niệm, sản vật địa phương, tour tham quan làng Sen, nhà tưởng niệm, Đền Chung Sơn... không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa mà còn mở ra hướng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội.
Tín ngưỡng dân gian hiện đại
Trong tín ngưỡng dân gian hiện đại, hình tượng Hồ Chí Minh hiện diện trong mọi không gian biểu tượng: Trường học, bảo tàng, đài tưởng niệm, các tác phẩm nghệ thuật... tạo nên sự lan tỏa văn hóa sâu rộng. Chính sách văn hóa - tư tưởng của Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của dạng tín ngưỡng này. Các chương trình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc xây dựng các di tích tưởng niệm, tổ chức lễ hội... chính là những cơ chế tạo ra không gian biểu đạt hợp pháp và bền vững cho tín ngưỡng ấy.
Qua hơn 20 năm tổ chức, lễ hội từng bước mang nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống văn hóa Việt Nam đương đại.
Khẳng định và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc: Lễ hội Làng Sen là không gian hội tụ các yếu tố truyền thống như âm nhạc dân gian, trò chơi cổ truyền, nghi lễ tâm linh, đồng thời kết nối với biểu tượng hiện đại - Hồ Chí Minh. Điều này giúp cộng đồng duy trì mạch văn hóa liên tục từ quá khứ đến hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ.
Thể hiện tính dân chủ và đa dạng trong tiếp nhận giá trị văn hóa. Củng cố niềm tin và đạo đức công dân. Tăng cường đoàn kết cộng đồng và phát triển địa phương. Góp phần làm giàu hệ thống tín ngưỡng dân gian hiện đại.
Hướng đến phát triển bền vững
Lễ hội Làng Sen không chỉ là một “ngày hội văn hóa Hồ Chí Minh”, mà còn là biểu tượng sống động của đời sống văn hóa Việt Nam hiện đại - nơi truyền thống và hiện đại cùng tồn tại, hỗ trợ và tiếp biến lẫn nhau.
Để Lễ hội Làng Sen thực sự trở thành một yếu tố văn hóa - tinh thần trong đời sống cộng đồng, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo đức dân tộc, cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, không gian cố kết và truyền dẫn bản sắc, thiết nghĩ cần hướng đến sự phát triển bền vững bằng những việc làm cụ thể, thiết thực:
Tiếp tục nghiên cứu liên ngành (văn hóa học, xã hội học, dân tộc học, tâm lý học, tôn giáo học...) nhằm nhận diện và phát triển tín ngưỡng dân gian hiện đại một cách bài bản. Xây dựng khung chính sách bảo tồn - phát triển lễ hội gắn với chiến lược phát triển du lịch văn hóa bền vững. Tăng cường vai trò chủ thể cộng đồng trong tổ chức lễ hội để tránh nguy cơ hành chính hóa hoặc thương mại hóa cực đoan. Đưa nội dung về tín ngưỡng dân gian hiện đại, biểu tượng Hồ Chí Minh và lễ hội Làng Sen vào chương trình giáo dục văn hóa - đạo đức tại địa phương.
Khuyến khích sáng tạo nghệ thuật dân gian và đương đại về biểu tượng Hồ Chí Minh, nhằm lan tỏa tinh thần văn hóa Hồ Chí Minh một cách uyển chuyển, tinh tế và hiệu quả.