A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hành trình ký ức qua những hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh gìn giữ những mốc son lịch sử của dân tộc thông qua hành trình cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Người, dòng người đến đây như đông hơn, không chỉ để tưởng nhớ mà còn để lắng nghe từng hiện vật lên tiếng.

Hành trình ký ức qua những hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Các bạn trẻ đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hương Nha

Tâm nguyện cả cuộc đời

Tháng 5 về, sen lại nở, trong lòng mỗi người con đất Việt có một ngày không thể nào quên, đó là ngày 19.5 - Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Trong dòng người đông đúc đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh những ngày tháng 5 lịch sử có rất đông người dân, du khách và cả những người nước ngoài. Có những cựu chiến binh từng chiến đấu tại những chiến trường ác liệt, có những cụ già, những em thơ.

Năm nay đã ngoài 75 tuổi, bà Trần Thị Thú và em gái là bà Trần Thị Hằng trú tại Nam Định có mặt từ sớm, xếp hàng vào thăm Lăng Bác. Sau đó, hai chị em bà đã di chuyển sang Bảo tàng Hồ Chí Minh ngắm nhìn từng kỷ vật về Người.

Dù tuổi đã cao, nhưng suốt hành trình tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Thú không bỏ sót hiện vật nào. Từ chiếc áo kaki, chiếc vali cũ, đến những bài viết, lời kêu gọi của Bác Hồ trong hành trình giải phóng dân tộc, bà Thú dừng lại nhìn kỹ từng chút một. Khi đến khu trưng bày văn bản “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” ngày 17.7.1966 - bà Thú đứng lặng rất lâu.

“Cảm xúc khó tả lắm. Lúc Bác mất tôi không được viếng Bác vì tôi còn nhỏ, mới chỉ là một đứa trẻ và còn ở xa. Hôm nay, được có mặt ở đây, viếng Bác và chứng kiến những kỷ vật lịch sử, tôi đã hoàn thành tâm nguyện cả cuộc đời” - bà Thú xúc động nói.

Hai chị em bà đi hết các phòng trưng bày. Dù đôi chân bà Thú đã yếu, dù tai không nghe rõ, bà vẫn nắm chặt tay em, không bỏ sót điều gì về Bác Hồ kính yêu. Họ chỉ là hai trong số hàng nghìn người vào tham quan Bảo tàng trong những ngày tháng 5 lịch sử. Dù ở mọi miền của Tổ quốc, dù lứa tuổi khác nhau, song tất cả đều một lòng tôn kính, tưởng nhớ tới vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lưu giữ những kỷ vật về Bác

Với hàng nghìn tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từ thuở ấu thơ cho đến khi Người từ biệt thế giới, “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều tư liệu gốc, quý hiếm, độc bản, người dân và du khách càng có cơ hội tìm hiểu sâu và rõ hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Người. Mỗi hiện vật là một câu chuyện, một bối cảnh lịch sử nhưng đều hướng tới khát vọng “độc lập - tự do” cho dân tộc qua hành trình vĩ đại của Người.

Các hướng dẫn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, càng tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhiều người lại càng bày tỏ sự xúc động bởi tình cảm và tâm huyết suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân, một trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại.

Theo TS Lê Trung Kiên - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, dòng người tấp nập đổ về Bảo tàng Hồ Chí Minh trong những ngày tháng 5 không đơn thuần là hành trình tham quan hay chiêm ngưỡng hiện vật lịch sử. Đó là hành trình trở về với cội nguồn tinh thần, trở về với ngọn lửa của niềm tin và lý tưởng, được thắp lên từ hình ảnh vị Cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự hiện diện của đông đảo người dân tại những địa chỉ đỏ như Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh... là minh chứng sinh động cho một giá trị tinh thần vô giá, tấm lòng son sắt của hàng triệu trái tim Việt Nam dành cho Người.

Tình cảm của nhân dân đối với Bác không chỉ là sự tri ân với quá khứ. Đó là biểu hiện sống động của ý thức trách nhiệm công dân, của niềm tin vững bền vào con đường cách mạng mà Người đã chọn - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nơi “mọi người được học hành”, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc”. Chính vì vậy, mỗi dịp tháng 5, khi sen bắt đầu nở cũng là lúc lòng người như hướng về một “điểm tụ” thiêng liêng - ngày sinh của Người - để tự soi rọi lại chính mình, để nuôi dưỡng khát vọng dựng xây đất nước hùng cường.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật