Bến xe Trùng Khánh bỏ hoang, biến thành bãi chứa vật liệu
Từng được kỳ vọng là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực biên giới, bến xe khách huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) nhiều năm qua trong tình trạng gần như bỏ không.
Bến xe trở thành nơi tập kết, đổ bê tông các kết cấu xây dựng và bãi đỗ xe cho một số phương tiện khác. Ảnh: Tân Văn
Bến xe im lìm, xe khách đón trả tự phát bên ngoài
Bến xe khách huyện Trùng Khánh được xây dựng với mục tiêu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương và du khách khi đến với khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao hay tuyến giao thương qua hệ thống cửa khẩu.
Nằm ở vị trí thuận lợi, ngay gần trung tâm hành chính thị trấn Trùng Khánh, bến xe từng được xem là một phần không thể thiếu trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông và đô thị của địa phương.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành hạ tầng cơ bản, công trình nhanh chóng rơi vào tình trạng “lạnh tanh”. Nhiều năm liền, bến xe hầu như không có hoạt động vận tải hành khách diễn ra. Các tuyến xe khách từ Trùng Khánh đi thành phố Cao Bằng hay sang các huyện khác chủ yếu đón trả khách tại các điểm tự phát bên ngoài, trong khi bến chính thức bị đóng kín cổng, không người trông giữ.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện khu vực bến xe đã bị biến thành nơi tập kết vật liệu xây dựng. Trên mặt bằng rộng chừng 1.000m2, máy xúc, xe chở rác và một số xe ôtô cá nhân xuất hiện thường xuyên.
Một trạm cân điện tử 100 tấn phục vụ xe tải và container cũng được dựng lên ngay trong khuôn viên bến. Biển hiệu "Bến xe khách huyện Trùng Khánh" vẫn còn nhưng cả bến xe không 1 bóng xe khách, thay vào đó là sự lộn xộn, nhếch nhác. Khu nhà điều hành luôn trong tình trạng đóng kín cửa rất ít khi mở ra.
Theo quyết định công bố lại bến xe huyện Trùng Khánh vào ngày 12.4.2023 do Sở Giao thông Vận tải Cao Bằng công bố, bến xe này do Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Đình Văn quản lý và khai thác. Bến xe thuộc bến loại 6 đang hoạt động trên địa bàn, tổng diện tích là 1.000m2.
Bến xe làm xong gần như không hoạt động
Trên hệ thống công bố quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Trùng Khánh (phê duyệt tại Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 30.5.2024), khu vực bến xe vẫn được xác định là đất giao thông. Thế nhưng, trong thực tế, đất này đang bị sử dụng như đất sản xuất, kinh doanh.
Một số người dân ở thị trấn Trùng Khánh phản ánh, tình trạng này đã kéo dài gần chục năm, nhưng không thấy chính quyền có động thái thu hồi hoặc có biện pháp, hướng xử lý mới.
"Người dân bây giờ muốn đón xe khách là phải gọi trước rồi đứng đón chờ ở đường, nguy hiểm lại lộn xộn giao thông, trông không ổn chút nào. Trong khi đó bến xe khách thì gần như bỏ không nhiều năm qua", một người dân cho biết.
Trao đổi với PV, ông Tăng Quốc Đoàn - Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị huyện Trùng Khánh - thông tin: "Bến xe được xây từ khá lâu rồi, để biết chi tiết cần phải rà soát lại hồ sơ, hiện tại đây vẫn có đơn vị điều hành bến xe".
Điều khiến nhiều người dân khó hiểu ở đây là việc thu hồi một diện tích lớn đất ruộng, sau đó xây lên 1 bến xe khách rồi gần như bỏ không suốt nhiều năm trong khi nhiều nơi ở Cao Bằng hiện còn thiếu đất cho các dự án công cộng - từ trường học, trạm y tế đến điểm dừng xe khách tuyến vùng sâu.
Qua tìm hiểu của PV, năm 2025 được xác định là năm thị trấn Trùng Khánh về đích đối với mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Trà Lĩnh cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V, một số tiêu chí đạt đô thị loại IV. Tuy nhiên, trên địa bàn thị trấn vùng biên này còn tồn tại loạt bất cập với một số công trình xây dựng chậm về đích hoặc xây dựng xong không phát huy hiệu quả mà bến xe khách huyện Trùng Khánh là một ví dụ.