Ba Lan dội gáo nước lạnh vào tham vọng hồi sinh khí đốt Nga của ông Trump
Tổng thống Donald Trump sẽ không thể bán khí đốt Nga cho EU ngay cả khi Mỹ mua lại cổ phần của Nga trong các đường ống dẫn khí tới châu Âu.
Nga và Mỹ đang thảo luận về vấn đề xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu. Ảnh: Gazprom
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan, bà Paulina Hennig-Kloska, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh RMF.
Khi được nhà báo Mateusz Kuharczyk hỏi về khả năng khí đốt Nga quay trở lại châu Âu, bà Hennig-Kloska cho biết: "Ủy ban châu Âu đã có quyết định sơ bộ về vấn đề này. Chúng tôi đang triển khai theo đúng kế hoạch nhằm chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng từ Nga. Các quốc gia EU đều hài lòng với lộ trình đó. Vì vậy, kể cả khi ông Trump mua lại cổ phần của Nga trong các đường ống dẫn khí, ông ấy cũng không thể bán khí đốt đó tại thị trường châu Âu".
Ngày 9.5, Reuters đưa tin, một quan chức Điện Kremlin xác nhận, Nga và Mỹ đang thảo luận về vấn đề xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu.
Xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu giảm mạnh sau khi tuyến đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 dưới Biển Baltic bị phá hủy năm 2022. Đầu năm nay, dòng khí đốt Nga qua Ukraina cũng bị dừng lại do Kiev từ chối gia hạn hợp đồng trung chuyển.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy các nỗ lực hòa bình tại Ukraina, mở ra khả năng hàn gắn quan hệ trong lĩnh vực khí đốt giữa Nga và châu Âu.
Theo tiết lộ từ 8 nguồn thạo tin, các quan chức Mỹ và Nga đã có các cuộc trao đổi về việc Mỹ có thể giúp khôi phục việc bán khí đốt Nga sang châu Âu.
Một số nguồn tin nắm rõ quá trình đàm phán cho rằng, khôi phục vai trò của Nga trên thị trường khí đốt EU có thể là một phần trong thỏa thuận hòa bình của cuộc xung đột Nga - Ukraina.
Các cuộc đàm phán cho đến nay thảo luận về việc các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ cổ phần trong đường ống Nord Stream nối Nga và Đức, hoặc trong đường ống chạy qua Ukraina thậm chí trong Gazprom. Các công ty Mỹ cũng có thể đóng vai trò là bên mua, mua khí đốt từ Gazprom và vận chuyển đến châu Âu.
Khôi phục vai trò của Nga trên thị trường khí đốt EU có thể là một phần trong thỏa thuận hòa bình ở Ukraina. Ảnh: Gazprom
Theo hãng tin Interfax, khi được hỏi liệu việc nối lại xuất khẩu khí đốt Nga có đang được trao đổi hay không, trợ lý cấp cao của Điện Kremlin, ông Yury Ushakov, xác nhận: "Chúng tôi đang nêu vấn đề này với phía Mỹ".
Châu Âu giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra năm 2022. Từ năm 2022, châu Âu đã chuyển sang các nhà cung cấp khí đốt khác, trong đó có mua LNG từ Mỹ.
Hiện Nga cung cấp 19% nhu cầu năng lượng của châu Âu, giảm so với mức 40% trước xung đột, chủ yếu cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí đốt vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ theo đường ống TurkStream.
Các nước ở châu Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt bao gồm Hungary và Slovakia - nhận khí đốt thông qua đường ống dẫn khí TurkStream. Bỉ, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha mua LNG từ Novatek của Nga theo các hợp đồng dài hạn.