A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa sắp được kiến thiết

“Vị trí xây dựng đền thờ Ngô Quyền không vi phạm vào di tích gốc (thành và hào), tuân thủ nguyên tắc là công trình không được chồng lên di tích gốc”. Đó là kết luận của PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tại cuộc thảo luận và cho ý kiến về kết quả khai quật khảo cổ học tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội do Viện Khảo cổ học tiến hành (ngày 15/1/2024).

Thành Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012; được phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) tại Quyết định 1004/QĐ-TTg, ngày 3/7/2015. Trong đó, quyết định xác định đền thờ Ngô Quyền sẽ được xây dựng trong phân vùng lõi của thành Cổ Loa.

Tháng 7/2024, Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng các đơn vị: Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đồng trình UBND thành phố Hà Nội về kết quả hội thảo “Gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa Ngô Quyền tại Cổ Loa”.

Đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa sắp được kiến thiết
Phối cảnh đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa

Mục tiêu xây dựng công trình để bảo tồn, tôn tạo, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích thành Cổ Loa trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, việc này còn sự thể hiện lòng thành kính tôn vinh công đức vua Ngô Quyền, anh hùng dân tộc với chiến thắng Bạch Đằng, chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc, đặt nền móng cho nền tự chủ lâu dài của dân tộc.

Việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại khu di tích thành Cổ Loa còn để phục vụ thờ tự tín ngưỡng các lễ hội truyền thống của địa phương; giới thiệu lịch sử văn hóa của địa phương cho bạn bè gần xa và thế hệ mai sau; tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học và phục vụ du khách tới tham quan khu di tích.

Phối cảnh đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa
Phối cảnh đền thờ Ngô Quyền ở Cổ Loa

Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 1413/QĐ-BVHTTDL ngày 1/6/2023 cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật bổ sung tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Mới đây, ngày 15/1/2024, Hội đồng Tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã tổ chức phiên họp thảo luận và cho ý kiến về kết quả khai quật khảo cổ học tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội do Viện Khảo cổ học tiến hành.

Sau khi nghiên cứu 2 kết quả báo cáo, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chủ trì cuộc họp kết luận: Đối với Viện Khảo cổ học, là đơn vị ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Đông Anh về việc khai quật khảo cổ học.

Viện Khảo cổ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn tính xác thực của kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại vị trí dự kiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh TP Hà Nội trong hai năm 2022 - 2023; đối với huyện Đông Anh là chủ đầu tư thực hiện dự án, trong quá trình triển khai thực hiện dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền cần thực hiện đúng Luật Di sản Văn hóa, tôn trọng và bảo vệ di tích gốc làm nên giá trị cơ bản của di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Vị trí xây dựng Đền thờ Ngô Quyền không vi phạm vào di tích gốc (thành và hào), tuân thủ nguyên tắc là công trình không được chồng lên di tích gốc.

Trước đó, tại hội thảo Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước (2020) tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đề xuất sớm xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Ngô Quyền được xem là “tổ trung hưng” nước ta. Có khoảng 80 đền thờ Ngô Quyền khắp cả nước, tuy nhiên ngay tại Cổ Loa - nơi ông dựng nước, xưng vương lại chưa có.

Giữa tháng 5/2023, Bí thư thành ủy Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản báo cáo Bộ VH-TT&DL và Thủ tướng đề xuất, kiến nghị đưa hạng mục đền thờ vua Ngô Quyền vào Quy hoạch chi tiết Khu di tích Cổ Loa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật