Đặt con người vào vị trí trung tâm để phát triển văn hóa
Sáng 27/2 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển". Hội thảo diễn ra với hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 63 tỉnh thành cả nước.
Khẳng định giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo |
Đến dự hội thảo còn có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Hội thảo cũng có sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể; Đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành; Các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; Đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông...
Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì tại điểm cầu Hà Nội |
Hội thảo nhằm cung cấp cho các nhà quản lý, nhà khoa học, những người thực hành văn hóa nghệ thuật và các tầng lớp Nhân dân hiểu biết về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, giá trị to lớn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ, những người thực hành văn hóa trong cả nước nhằm làm rõ các giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam; Quá trình vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người hiện nay và trong tiến trình lịch sử; Những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản đề cương và đường lối văn hóa của Đảng.
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo cũng làm rõ các vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện trong quá trình vận dụng giá trị của đề cương trong thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả giá trị của văn kiện này vì mục tiêu phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đặt con người vào vị trí trung tâm
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh từ yêu cầu thực hiện ba nguyên tắc: "Dân tộc hóa"; "Đại chúng hóa"; "Khoa học hóa" trong cuộc vận động văn hoá thời kỳ tiền khởi nghĩa, Ðảng ta đã bổ sung, phát triển thành những thuộc tính “Nhân dân”, “nhân văn” và “dân chủ”, góp phần xử lý hài hòa nhiều mối quan hệ lớn, phức tạp trong thực tiễn phát triển văn hóa, con người hôm nay, như mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa xây và chống, giữa giữ gìn bản sắc dân tộc và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc hội thảo |
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" của bản đề cương, ngày nay, Đảng ta đã hình thành quan điểm: Phát triển con người phải được đặt vào vị trí trung tâm và là mục tiêu của quá trình phát triển văn hóa. Nền văn hóa mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hóa của Nhân dân. Nhân dân vừa là chủ thể sáng tạo, trao truyền, đồng thời cũng là chủ thể thụ hưởng những giá trị của nền văn hóa ấy.
Một mặt, văn hóa phải hướng mọi sáng tạo, mọi hoạt động phục vụ đông đảo quần chúng Nhân dân; Mặt khác, cần phải vun đắp cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, để có những tác giả với những tác phẩm mang giá trị "đỉnh cao"; Kiên quyết chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, mê tín, dị đoan, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, tăng cường sức đề kháng, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc sự nghiệp cách mạng và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo |
Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định rằng đầu tư cho văn hóa một cách khoa học, hợp lý. Đây chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai hội nhập mang tính bền vững hơn của đất nước.
"Đó cũng chính là nền tảng tiên quyết góp phần hình thành một nền văn hóa mới có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến của toàn dân cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa và chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên bản đồ sức mạnh mềm thế giới", Bộ trưởng phát biểu.
Theo đó, Bộ trưởng đề xuất một số giải pháp cải thiện thể chế, hoàn thiện chính sách hiện hành như: Bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, vào nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Có chính sách phù hợp tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu kiến nghị liên quan đến việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa, hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận theo 2 vấn đề: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, các đại biểu nêu bật về vấn đề tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đối với phát triển; Hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người; Chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa có phẩm chất, năng lực chuyên môn xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới; Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển.
Hội thảo diễn ra với hình thức trực tiếp và gián tiếp |
Hội thảo cũng tiến hành thảo luận bàn tròn về tư tưởng của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, giá trị to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam, sự tiếp bước của các nghệ sĩ trong mạch nguồn lịch sử với công tác nâng cao hiệu quả của văn hoá văn nghệ trong xây dựng văn hóa con người, để văn hoá trở thành nguồn lực nội sinh, xây dựng đất nước phát triển bền vững.