A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

"Ngộ" - triển lãm của bốn họa sĩ với phong cách nghệ thuật mang nhiều nét tương đồng bằng chất liệu “bay bổng, nhẹ nhàng và tinh tế” sẽ khai mạc ngày 13/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Lắng đọng chữ "Ngộ"

Có lẽ cái tên “Ngộ” phần nào đã khái quát được tinh thần chung của cuộc triển lãm. Đó là sự thức tỉnh, hiểu rõ hơn về ý nghĩa cuộc sống hay đơn thuần chỉ bất ngờ khi gặp được điều mới mẻ, khác lạ gây chú ý cho người đối diện một cách rất cảm tình.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Màu thời gian" của họa sĩ Trường Thịnh

Đó là nét ngộ nghĩnh, tươi trẻ trong từng khoảnh khắc thanh xuân nhất của cảnh sắc, hoa cỏ được hiển hiện bằng màu nước trên lụa hay phấn màu trên giấy.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Căn phòng mùa xuân" của họa sĩ Vũ Thùy Mai

Đó là lòng thấp thỏm, lo được lo mất những thứ không nắm bắt được, không níu giữ nổi của tạo hóa. "Ngộ" còn chứa chút hoang dại, làm “điên” của nghệ thuật, thoảng qua không đủ mạnh gây sốc, mà khiến người xem giật mình vì trong sự trầm cũng không thiếu cái ngông…

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Mộng" của họa sĩ Đỗ Long

Triển lãm "“Ngộ” giới thiệu hơn 40 tác phẩm bằng chất liệu màu nước trên lụa hay phấn màu trên giấy được sáng tác bởi họa sĩ Trường Thịnh, Nguyễn Đỗ Long, Anh Nguyên và Vũ Thùy Mai. Tất cả đều là những tác phẩm mang trạng thái lắng đọng, tĩnh lặng khi các họa sĩ nhìn đời sống, nhìn cảnh vật chợt giác ngộ ra những lẽ sống rất đời truyền tải vào các tác phẩm.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Tan 2" của họa sĩ Anh Nguyên

Bốn chữ “Ngộ” gặp nhau thành một cuộc hội ngộ đầy chất thơ. Cuộc gặp gỡ của các thành viên trong nhóm và đông đảo những người thưởng tranh - "Đôi ta mới ngộ hôm nay/ Một đêm là ngãi, một ngày là duyên".

4 mảnh ghép đầy suy ngẫm về cuộc sống

Với họa sĩ Trường Thịnh, những câu chuyện về nghệ thuật dân gian, những hoài niệm xưa cũ, những giá trị văn hoá cổ ngoạn một thuở qua dòng chảy lịch sử lâu đời rồi đến câu chuyện thiền định trong mỗi con người chúng ta để sống chậm lại để lắng nghe và cảm nhận hơi thở của cuộc sống bề bộn… đã làm rung động và chạm đến xúc cảm tới anh.

Họa sĩ Trường Thịnh

Họa sĩ Trường Thịnh

Chính những câu chuyện trên mà họa sĩ Trường Thịnh đã cảm thụ, nhìn nhận từ câu chuyện nghệ thuật dân gian đến đương đại theo cách nhìn riêng của mình, anh đã sáng tác ra những tác phẩm đầy tĩnh tại, an yên và sâu lắng trên chất liệu lụa truyền thống rất đỗi nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Dấu ấn thời gian" của họa sĩ Trường Thịnh

Các tác phẩm đưa đến cho công chúng yêu mến về nghệ thuật thị giác một cái nhìn đầy xúc cảm và bình yên đến lạ thường trong cuộc sống hối hả này.

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Long

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Long

Họa sĩ Nguyễn Đỗ Long thì luôn quan tâm đến thiên nhiên và những tồn tại quanh cuộc sống hàng ngày, thích diễn tả, gợi những nét đặc trưng, chắt lọc để nói lên suy nghĩ cá nhân.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Trăng cuối phố" của họa sĩ Nguyễn Đỗ Long

Anh thích khai thác cái gần gũi, thân quen bằng cảm nhận và tạo hình cá nhân.

Họa sĩ Anh Nguyên

Họa sĩ Anh Nguyên

Họa sĩ Anh Nguyên sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012. Với nhiều năm theo đuổi đam mê nghệ thuật, họa sĩ đã gửi tình yêu của mình qua rất nhiều tác phẩm, cũng như tham gia rất nhiều triển lãm và để lại những dấu ấn cá nhân riêng với phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Màu xanh còn lại" của họa sĩ Anh Nguyên

Hoạ sĩ Anh Nguyên vốn khá kín, anh chỉ âm thầm vẽ, âm thầm làm việc để tìm ra con đường hội hoạ phù hợp nhất với mình. Thu hút ánh nhìn của khán giả là những bức tranh phấn ghi lại khoảnh khắc tĩnh lặng từ cỏ cây hoa lá nhưng tràn đầy sự tươi mới, ấm áp của hoạ sĩ Anh Nguyên.

Tranh của anh thể hiện những thứ rất gần gũi: Hoa rơi trên nền, bình bông trong đêm hay chậu cây tắm nắng... vạn vật đều được bao phủ bằng thứ ánh sáng tinh tế và đầy trân trọng. Trong mắt họa sĩ những thứ bình dị nhất vẫn cần được nâng niu, lưu giữ lại trọn vẹn những gì đẹp nhất để dành tặng cho đời, cho những người hữu duyên… Ngắm những tác phẩm ấy, lòng bình yên đến lạ khiến người xem bất giác mỉm cười.

Họa sĩ Vũ Thùy Mai

Họa sĩ Vũ Thùy Mai

Với họa sĩ Vũ Thùy Mai, điều hạnh phúc nhất là cô đã quyết định học vẽ, theo nghiệp và sống với nghề, được sống và sống được khi làm họa sĩ. Chất liệu chính của Thùy Mai là tranh lụa, khắc họa những vật dụng hàng ngày mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam cũng như tính cách riêng của Mai.

Cuộc tao ngộ đầy chất thơ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Tác phẩm "Căn phòng mùa hạ" của họa sĩ Vũ Thùy Mai

Thông qua nghệ thuật của mình, cô tìm cách nắm bắt sự đơn giản và gần gũi của cuộc sống hàng ngày. Chính trong những khoảnh khắc thường nhật này, Mai tìm thấy sự bình yên và cảm hứng.

Chia sẻ về triển lãm “Ngộ”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã viết: “Nhóm Ngộ đang tự Ngộ trong từng tác phẩm. Họ đâu biết hết lụa Việt đang mách bảo cho họ điều gì khi cứ mùa gọi mùa xuân hạ thu đông hay lại thêm những mùa riêng nương nép trong tâm hồn.

Qua khung cửa, muôn thuở thời gian vẫn như bóng câu. Cách gọi mùa, đếm mùa mỗi người mỗi khác. Ký ức vẫn luôn là những mùa bình yên. Ai đang vương những nỗi niềm khó giấu? Lụa hay Phấn màu cũng chỉ là cơn cớ để họ bày tỏ tôi là ai, đang ở khúc quanh nào tìm mình hay độc hành thản nhiên trên những con đường lạ.

Nhóm Ngộ, đã đành là vẫn đang tự Ngộ. Biết đâu mùa lại đổi khác mùa để các bạn đồng nghiệp trẻ của tôi khó đọc Hai mươi bốn tiết khí trong năm và đương nhiên, ai can đảm dấn thân thì mới có được mùa riêng - mùa thứ năm của sáng tạo nghệ thuật”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan