Cô gái dân tộc Bố Y giành giải nhất “Tinh hoa Việt Nam”
Tác phẩm: “Trang phục truyền thống của người Bố Y” của thí sinh Lồ Phà Tú Anh, học sinh Trường THPT Số 1 huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đã giành giải nhất Cuộc thi sáng tác video clip “Tinh hoa Việt Nam” lần thứ II, năm 2023.
Chia sẻ về tác phẩm đạt giải nhất của mình, Lồ Phà Tú Anh cho biết, bộ trang phục của phụ nữ Bố Y gồm: Áo, váy, khăn đội đầu và giày tự thêu. Chiếc áo này gồm 2 lớp - áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo 5 thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ. Còn áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ, nhiều dây, vòng bạc. Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng…
Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (bên phải) và ông Vy Tư Liệu, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân Ban Dân vận Trung ương trao giải nhất cho nữ sinh Lồ Phà Tú Anh |
“Qua tác phẩm em muốn truyền tải và quảng bá những nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc mình, đến các bạn trên mọi miền Tổ quốc. Em mong rằng, mỗi người trẻ sẽ lan toả những điều tích cực và có tình yêu với nét đẹp trang phục thống dân tộc, cũng như gìn giữ, phát huy được nét đẹp văn hoá đó trong thời hiện đại”, Lồ Phà Tú Anh bày tỏ.
Cô nàng chia sẻ, khó khăn nhất khi thực hiện video clip để dự thi là phải canh chờ hôm trời nắng đẹp, bởi thời tiết ở quê em thường xuyên sương mù. Dân tộc Bố Y hiện chủ yếu sinh sống ở Lào Cai, Hà Giang, hiện chỉ có khoảng 3.000 người. Khi thực hiện video clip, cô học trò mong muốn quảng bá, giới thiệu rộng rãi trang phục rất đặc sắc này. Bản thân Tú Anh rất tự hào về trang phục của dân tộc mình.
Các tác giả, nhóm tác giả đạt giải của cuộc thi |
Cuộc thi “Tinh hoa Việt Nam" dành cho học sinh, sinh viên, bắt đầu nhận bài thi từ ngày 27/11/2023, với mục đích tạo sân chơi bổ ích để đoàn viên, học sinh, sinh viên bồi dưỡng, vun đắp hiểu biết, tình cảm đối với các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Đây là một hoạt động này cụ thể, thiết thực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc thực hiện mục tiêu “giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” - Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của Thủ tướng Chính phủ.
Nữ sinh dân tộc Bố Y Lồ Phà Tú Anh chia sẻ về tác phẩm dự thi của mình |
Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho hay: “Hơn 11 nghìn tác phẩm dự thi của các bạn học sinh, sinh viên chính là kết quả, tài sản quý giá mà chúng tôi nhận được từ cuộc thi. Khi xem mỗi một tác phẩm chúng tôi cảm nhận được chứa đựng trong đó là tình cảm yêu thương, gắn bó, niềm tự hào mà các bạn dành cho mảnh đất quê hương, địa phương nơi mình sinh ra và lớn lên. Chủ đề được các bạn học sinh, sinh viên quan tâm và thực hiện nhiều nhất là về trang phục, ẩm thực, các làn điệu dân ca, sản phẩm truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của địa phương, quê hương mình. Điểm ấn tượng của cuộc thi chính là sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các bạn học sinh, sinh viên người dân tộc các tỉnh miền núi. Khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, các bạn học sinh, sinh viên đã cố gắng để có được những hình ảnh đẹp, chân thực, khắc họa rõ nhất nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình”. |
Ban Tổ chức đã trao giải hàng tuần cho tác phẩm dự thi có tổng điểm bình chọn cao nhất. Tại vòng chung khảo, Ban Giám khảo chọn ra 5 tác phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó, giải nhất thuộc về tác phẩm: “Trang phục truyền thống của người Bố Y”, của thí sinh Lồ Phà Tú Anh, trường THPT Số 1 huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Giải nhì được trao cho tác phẩm “Tinh hoa miền Quan họ”, nhóm thí sinh: Tạ Quốc An Vũ - Trường THPT Yên Hòa, thành phố Hà Nội và Phạm Trần Nhật Anh, trường THPT Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Giải ba thuộc về tác phẩm: “Khu di tích Quốc gia đặc biệt - Lam Kinh”, của nhóm tác giả: Câu lạc bộ Truyền thông sinh viên HDU MEDIA, Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa.
Các tác phẩm đạt giải khuyến khích: “Nét đẹp Thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” của thí sinh Tạ Thanh Ngọc Kim, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, tỉnh Đắk Lắk; “Hát then, đàn tính – Tinh hoa âm nhạc dân gian Xứ Lạng”, tác giả: Đoàn trường THPT Chuyên Chu Văn An Lạng Sơn, Trường THPT Chuyên Chu Văn An, tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với trao giải thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng bằng khen và tiền thưởng cho Tỉnh đoàn Quảng Bình là Tỉnh đoàn có số lượng sản phẩm dự thi nhiều nhất. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tặng bằng khen và tiền thưởng cho Đoàn Trường THPT Lê Thành Phương, tỉnh Phú Yên là đơn vị Đoàn trường có số lượng sản phẩm dự thi nhiều nhất.
Ban Tổ chức cũng tặng thưởng cho tác phẩm: “Sen quê Bác - Nâng tầm sen Việt”, của thí sinh Vương Thuý Quỳnh, Trường THPT Kim Liên, tỉnh Nghệ An với giải thưởng sản phẩm có nhiều bình chọn nhất trên website.
Cùng ngắm nữ sinh trong trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Bố Y: