A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chàng trai 9x kết nối người trẻ với văn hóa Raglai

Vài năm gần đây, sự xuất hiện các kênh, trang mạng xã hội về Raglai của sinh viên Chamaléa Phương Trân (sinh 1998, tại Bác Ái, Ninh Thuận – sinh viên năm 4, ngành Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, ĐH Văn hóa TPHCM) đã tạo ra một làn gió mới trong cộng đồng, đặc biệt là người trẻ Raglai.

“Mình ý thức rõ, người Raglai phải tự giúp cộng đồng mình , và hướng vào người trẻ, vì đó là tương lai của bản sắc dân tộc mình” – Phương Trân chia sẻ.

Từ những năm học THPT ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận), Phương Trân đã nhìn thấy các điểm mạnh của dân tộc Raglai mình. Đó là sự hồn nhiên, chân thật, dũng cảm, trung thành với bạn bè,... Nhưng, bên cạnh đó là những lỗ hổng với hệ thống chữ viết chưa thống nhất, giới trẻ dễ dàng bị mất đi bản sắc.

Đến khi trở thành sinh viên – đoàn viên trường ĐH Văn hóa TPHCM và trải nghiệm học hỏi tại TPHCM, chàng trai trẻ đã có những cách làm riêng để kết nối giới trẻ Raglai và phát triển, bảo tồn văn hóa.

Tiếng vang và sức ảnh hưởng từ các hoạt động online của chàng sinh viên tại TPHCM khiến lãnh đạo huyện mời Trân về dự hội thảo về các mô hình phát triển kinh tế văn hóa địa phương cùng các cấp lãnh đạo. Với Trân, đó là một vinh dự của một sinh viên còn ngồi trên giảng đường.

Lần đầu tiên có Raglai Rap!

Nhận thấy giới trẻ Raglai khá nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, từ năm 2018, Phương Trân đã cụ thể hóa ý tưởng kết nối người trẻ Raglai ở các tỉnh bằng cách thành lập trang fanpage facebook mang tên “Sắc màu Raglai” (hiện có gần 9.000 fans).

Chính Trân tự lên ý tưởng, quay và chỉnh sửa nội dung. Gần đây là sự ra đời của kênh YouTube cũng như TikTok của anh bạn cũng thu hút đông đảo giới trẻ Raglai. Trân được biết với “nghệ danh” Chamaléa Aikachoa. Trong đó, Chamaléa là họ mẹ của Trân (người Raglai theo mẫu hệ - PV) và “Aikachoa” nghĩa là “anh hai”.

Chàng trai 9x kết nối người trẻ với văn hóa Raglai - Ảnh 1.

Phương Trân biểu diễn Raglai Rap trong buổi ra mắt sách về chủ đề dân tộc Raglai tại đường sách TPHCM.

Chàng trai trẻ cho biết: “Mình không đăng tải những thứ có sẵn mà sáng tạo nội dung . Nghiên cứu mang tính hàn lâm trên giấy, khó đi vào đời sống. Phải vận dụng các kiến thức nghiên cứu vào các hoạt động có sức sống, hấp dẫn mới cuốn hút giới trẻ tham gia được”.

Trân đã thu hút được giới trẻ Raglai khắp nơi nhờ tận dụng các xu hướng. Ngay khi chương trình Rap Việt mùa 1 đang thu hút giới trẻ, Trân đã có một bản rap gây sốt trong cộng đồng Raglai với hơn 300.000 lượt xem.

“Nội dung bản Rap nói về việc kêu gọi người trẻ Raglai hãy tự hào với dân tộc mình, làm mọi người biết đến dân tộc mình bằng cách lo học hành, chí thú làm ăn kiếm tiền. Có lẽ, người Raglai lần đầu tiên được nghe bản nhạc rap từ tiếng mẹ đẻ. Từ khi mình ra bản Rap đến nay, đi về quê đâu đâu cũng nghe người Raglai mở nghe. Nhiều người không nghĩ rằng tiếng Raglai có thể vào rap, lên nhạc được mượt vậy. Gần đây, mình cũng có các bản thu hát Rap bằng cách đếm số bằng tiếng Raglai, cũng được giới trẻ Raglai hưởng ứng tích cực” - Trân cho biết.

Bên cạnh làm Rap, trang fanpage cũng như các kênh của “Aikachoa” tăng lượng tương tác nhanh chóng nhờ các hoạt động rất cuốn hút . Đầu tiên là cuộc thi trang phục truyền thống Raglai. Theo đó, người trẻ Raglai khắp các tỉnh chỉ cần chụp ảnh với trang phục truyền thống đăng lên trang “Sắc màu Raglai”, kêu gọi like và share.

Cuộc thi này đã kêu gọi được tài trợ, chấm và trao giải với hiện kim đáng kể. Sau đó là chương trình “Tìm kiếm tài năng Raglai” cũng được hưởng ứng với clip thí sinh hát nhiều bản nhạc hoặc chơi nhạc cụ gửi về. Các video vui lồng tiếng Raglai (vietsub), hoặc những đoạn livestream đời sống thường nhật thú vị của “Aikachoa” cùng các sinh viên Raglai đồng hương làm thêm nghề bartender tại TPHCM,… cũng giúp tăng lượng tương tác đáng kể.

Nhận thấy xu hướng các YouTuber Việt nổi tiếng đang quan tâm rất nhiều đề tài vùng núi như Raglai, Trân đón xu hướng bằng nhiều đoạn phim ý nghĩa về những niềm tự hào, văn hóa Raglai như: Bẫy đá huyền thoại Pi-năng Tắc, thác Cha-Pơ, tìm hiểu trang phục truyền thống Raglai, nương rẫy Raglai... Cách làm của Trân hấp dẫn, một lãnh đạo văn hóa huyện nhà đã liên hệ để dùng clip về bẫy đá Pinăng Tắc và chuyện người Raglai tham gia cách mạng để chiếu cho các em thiếu nhi xem. Trân vui vẻ đồng ý.

Hy vọng vào trí thức trẻ Raglai

Thông qua mạng xã hội, “Aikachoa” có thể điều tra được sự khác nhau của ngôn ngữ Raglai ở Ninh Thuận so với người Raglai Khánh Hòa hay Bình Thuận, Lâm Đồng.

“Trước đây, người Raglai không có chữ viết, hoạt động văn hóa chủ yếu qua truyền miệng. Từ khi các công cụ ghi âm ghi hình phát triển, các câu chuyện sử thi hay nghệ thuật Raglai mới được ghi lại. Năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê chuẩn bộ chữ Raglai theo ký âm La-tinh của bà Mẫu Thị Bích Phanh, một nhà cứu người Raglai. Tuy nhiên, theo những khảo sát của mình trên fanpage, cùng một sự vật sự việc, người Raglai các vùng, các tỉnh khác nhau đang phát âm khác nhau.

Mình có ước mong sau này sẽ phát triển ngôn ngữ Raglai một cách đồng nhất hơn. Khi những nhà nghiên cứu lớn tuổi mất đi, người trẻ Raglai phải có lớp kế cận. Mình muốn các bạn trẻ Raglai học cao lên. Cao ở đây không phải để làm ông này bà nọ mà nhìn được thế giới rộng lớn hơn. Góc nhìn và hướng đi vô cùng quan trọng. Mong sao người trẻ vận dụng được kiến thức để giúp đỡ hay bảo tồn được bản sắc của Raglai mình” – Trân tâm sự.

Chàng trai 9x kết nối người trẻ với văn hóa Raglai - Ảnh 2.

Trân vẫn đang nỗ lực hết mình với hướng đi mà anh lựa chọn.

Theo Trân, nhìn ở góc độ khai thác bản sắc bản địa, những vùng đất như Raglai quê nhà đang chuyển mình với ngành du lịch , làm homestay kết hợp văn hóa , sản vật bản địa. Trân cũng đang nắm bắt xu hướng với việc bắt đầu thương mại hóa các sản phẩm bản địa như nông sản, vật phẩm văn hóa như nỏ, đàn chapi, trang phục truyền thống,...

Trân cho biết, các bạn trẻ Raglai hiện nay thường chọn học một số ngành Quản lý Văn hóa hay Du lịch vì được ưu đãi học phí tốt. Đông sinh viên Raglai nhất là ĐH Văn hóa.

"Tụi mình vẫn duy trì kết nối giúp đỡ nhau và cùng nhau kết nối các ý tưởng phát triển những thế mạnh quê nhà. Bản thân mình cũng đang trau dồi thêm các kiến thức văn hóa, âm nhạc,… để phục vụ cộng đồng mình tốt hơn” - Trân bộc bạch.

Bằng các hoạt động kết nối, Trân cho biết, mình đã tìm được hướng đi đúng và mở được một đoạn đường quan trọng để khuyến khích giới trẻ Raglai hiểu, biết và giữ văn hóa của dân tộc mình.

Người Raglai hồn nhiên “yêu rừng cây ngọn núi một tiếng đàn Chapi” đã thành một biểu tượng qua âm nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến. Nhưng dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi thấp của Ninh Thuận, Khánh Hòa và rải rác ở Bình Thuận, Lâm Đồng này vẫn luôn đứng trước những thách thức trong việc tìm một hướng đi chung trong phát triển và bảo tồn bản sắc. Những người trí thức lo lắng cho bức tranh chung của Raglai không nhiều, nhất là lớp trẻ. Bởi vậy, những người trẻ nhiệt huyết và có kiến thức, như Chamaléa Phương Trân chính là tương lai cho việc kết nối văn hóa của dân tộc mình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật