A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca khúc 18+, vũ đạo sexy ở Anh trai say hi cần kiểm duyệt trước khi lên sóng

Một số ca khúc có vũ đạo và ca từ nhạy cảm trong "Anh trai say hi" vẫn được phát sóng trên truyền hình. Trong khi ở Hàn Quốc, Trung Quốc, các bài hát phát sóng trên truyền hình được kiểm duyệt cả về lời hát lẫn động tác.

Ca khúc 18+, vũ đạo sexy ở Anh trai say hi cần kiểm duyệt trước khi lên sóng

Wean có động tác chạm môi vũ công ngay trên sân khấu "Anh trai say hi". Ảnh: Cắt từ video

Các màn trình diễn của "Anh trai say hi" nhận nhiều sự quan tâm. Dù vậy, có ý kiến cho rằng một số tiết mục có yếu tố 18+, trong cả ca từ lẫn vũ đạo.

Mới nhất, sân khấu "Love sand" của HIEUTHUHAI cùng Jsol, Vũ Thịnh và Ali Hoàng Dương gây tranh cãi vì những màn vũ đạo nóng bỏng, cởi đồ sau rèm.

Tiết mục gây chú ý bởi loạt động tác gợi cảm kết hợp với thắt lưng, dây thừng, cát, nhảy đôi cùng các vũ công nữ. Một số phân cảnh thân mật giữa ca sĩ và bạn nhảy được cho là gợi dục, dù chương trình này phát sóng trên truyền hình.

Nhiều ca khúc khác lại có ca từ nhạy cảm, ẩn ý chủ đề 18+. Riêng trong đêm thi 1, đã có 2 ca khúc có phần lời táo bạo là "10/10" và "Hút".

“10/10” có vũ đạo gợi cảm với nước, khiến ngoại hình các thí sinh ướt át hơn sau những màn nhảy. Lời hát cũng được cho là nhạy cảm như “xòe bàn tay 5 ngón đan vào/ khẽ hôn lên trên làn da điểm 10/ 15-20 phút tan vào giữa cơn mơ điên cuồng em mỉm cười".

Đến "Hút", đoạn rap của Pháp Kiều cũng khiến người xem phải đỏ mặt với phần lời: "Làm một chút men say hai ta phiêu cùng nhau cả đêm nay", "Anh siết tay em đấy thôi được còn siết đôi môi em miết", "Anh liếc xem em có thêm trò gì? Cười tiếp để môi anh híp"...

Dù vậy, show không dán nhãn độ tuổi hoặc cảnh báo khán giả trước những màn trình diễn có yếu tố 18+.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, Trung Quốc, các ca khúc phát sóng trên truyền hình được kiểm duyệt cả về ca từ lẫn vũ đạo, đảm bảo sự lành mạnh, phù hợp với số đông người xem.

Tại Hàn Quốc, với sự nở rộ của các show âm nhạc hàng tuần, các ca khúc luôn được kiểm duyệt chặt chẽ.

Theo Korea Boo, nhiều ngôi sao lớn như BTS, Blackpink, TWICE cũng từng có những ca khúc không qua được vòng kiểm duyệt.

Một số ca khúc bị cấm biểu diễn trên các đài trung ương của BTS là "Go go", "Dope", Blood sweat and tears". Các đài truyền hình cho rằng phần lời bài hát thô tục, sử dụng ngôn từ gay gắt.

Hay bài hát đầu tiên của Black pink - "Boombayah" - cũng có thời gian bị cấm sóng vì chứa ca từ không phù hợp và nhắc đến nhãn hiệu rượu.

“Go go” của BTS bị đài KBS cấm phát sóng. Ảnh: Big Hit

“Go go” của BTS bị đài KBS cấm phát sóng. Ảnh: Big Hit

Nếu muốn được cấp phép lên sóng, các nghệ sĩ buộc phải sửa lời bài hát, hoặc thay đổi vũ đạo với phiên bản trình chiếu trên truyền hình.

Trước đó, EXO từng đổi tên ca khúc "Lotto" thành "Louder" để được biểu diễn trên các show âm nhạc. Hay AOA, EXID, Dal Shabet cũng phải tiết chế những động tác sexy biểu diễn các chương trình của nhà đài.

Những quy định nghiêm ngặt không chỉ áp dụng với các màn trình diễn trực tiếp mà còn cả những MV gốc.

Hay ở Trung Quốc, những chương trình giải trí được kiểm duyệt chặt chẽ để đảm bảo các nội dung được phát sóng đảm bảo thuần phong mỹ tục, truyền bá văn hóa bản địa.

Năm 2018, Cục Quản lý Báo chí, Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình (SAPPRFT) từng thẳng tay "cấm sóng" các nội dung như văn hóa không chính thống và nội dung có yếu tố đồi trụy.

Năm 2021, cơ quan này yêu cầu các đài truyền hình không phát sóng các chương trình tìm kiếm tài năng, chương trình tạp kỹ và chương trình thực tế. Ngoài ra, không phát sóng hình ảnh những người có "thẩm mỹ bất thường", ví dụ như hình tượng đàn ông "ẻo lả", "thô tục", nghệ sĩ trình diễn có "đạo đức suy đồi".

Theo Sina, hoạt động của chương trình giải trí bị thắt chặt, quản lý nghiêm vấn đề đạo đức nghệ sĩ, do đó showbiz Trung Quốc phải liên tục có sự điều chỉnh nội dung, nhân sự.

Từ ngày 15.8.2023 theo thông tư số 05/2023/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2016/TT-BTTTT và Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông đã yêu cầu các chương trình thể thao, giải trí phải có cảnh báo và phân loại độ tuổi khán giả xem.

Theo đó, thông tư đưa 7 tiêu chí phân loại chương trình, gồm: chủ đề, nội dung; bạo lực; khỏa thân, tình dục; ma túy, các chất kích thích, gây nghiện; kinh dị; hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thô tục; hành vi nguy hiểm, dễ bắt chước.

Trên cơ sở 7 tiêu chí, có 6 mức phân loại chương trình, gồm Loại P - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem ở mọi độ tuổi; Loại K - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ, người giám hộ; Loại T13 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 - Chương trình được phép phổ biến đến người nghe, xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C - Chương trình không được phép phổ biến.

Các chương trình giải trí thuộc thể loại truyền hình thực tế, biểu diễn nghệ thuật đều có mức phân loại từ loại K đến loại T18.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan