A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

5 trò chơi giúp trẻ giải tỏa áp lực bằng hơi thở

Cuốn sách “Hướng dẫn thực hành tỉnh thức cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên” của bác sĩ tâm lý trị liệu Debra Burdick tổng hợp các bài tập mà bố mẹ, thầy cô có thể đồng hành với trẻ để giải tỏa căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng như học tập.

Trong cuộc sống hiện đại, không chỉ các bậc cha mẹ mà ngay cả trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên cũng gặp rất nhiều vấn đề về cảm xúc. Trước những kỳ vọng của cha mẹ, áp lực của cuộc sống hiện đại và những căng thẳng diễn ra trong quá trình trưởng thành, trẻ em rất dễ gặp phải các khủng hoảng về mặt tâm lý như: Lo âu, sợ sệt, trầm cảm, khó ngủ, thiếu tự tin…

5 trò chơi giúp trẻ giải tỏa áp lực bằng hơi thở
Cuốn sách "Hướng dẫn thực hành cho trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên"

Dưới đây là 5 trò chơi nhỏ cuốn sách cung cấp giúp bố mẹ, thầy cô có thể tổ chức thực hành cùng trẻ. Những trò đơn giản mà hiệu quả giúp các con biết cách điều hòa hơi thở, từ đó giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, tập trung hơn, suy nghĩ tích cực, tăng khả năng điều tiết cảm xúc, giúp giảm lo lắng trước các kỳ thi và đạt hiệu quả tốt hơn trong học tập cũng như rèn luyện bản thân.

Thổi bong bóng (dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên): Người lớn hãy dùng một lọ nước xà phòng và một chiếc que đánh bong bóng, rủ các em chơi thổi bong bóng. Khi các em phát hiện ra cách thổi bong bóng chính là bài thực hành thở ra bằng miệng, các em sẽ vô cùng thích thú.

Chúng ta hãy hỏi xem điều gì sẽ xảy ra khi các em thổi thật mạnh? Hãy xem liệu trẻ có thể tạo ra một bong bóng xà phòng thật lớn bằng cách thổi thật nhẹ hay không? Bạn cũng có thể yêu cầu các em chỉ cho bạn thấy điều gì sẽ xảy ra khi các em thổi nhanh hoặc thổi chậm, thổi được một bong bóng lớn hay nhiều bong bóng nhỏ?

Thổi khăn giấy (dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên): Người lớn đưa khăn giấy cho trẻ và yêu cầu các em cầm trước mặt rồi thổi, làm sao để khăn giấy bay lên. Tương tự, chúng ta cũng vừa làm vừa tương tác, hỏi các em điều gì xảy ra với khăn giấy khi thổi mạnh hoặc thổi nhẹ.

Người lớn hãy đề nghị trẻ có thể nâng khăn giấy lên bằng cách thổi vào nó trong một khoảng thời gian dài không; Điều gì xảy ra khi các em ngừng thổi? Chúng ta hãy yêu cầu các em thổi vào khăn giấy trong khi đếm 1, 2, 3 hoặc mỗi khi bạn vỗ tay.

5 trò chơi giúp trẻ giải tỏa áp lực bằng hơi thở

Thổi chong chóng (dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên): Ta sử dụng chong chóng và yêu cầu trẻ thổi vào và làm cho nó quay. Vừa chơi bố mẹ, thầy cô tích cực vừa hỏi trẻ điều gì sẽ xảy ra khi các em thổi mạnh hoặc chỉ thổi nhẹ nhàng; Chong chóng tiếp tục quay trong bao lâu sau khi các em ngừng thổi? Để tăng tính hào hứng, ta nên yêu cầu trẻ thổi mỗi khi bạn vỗ tay.

Thổi bóng bay (dành cho trẻ từ 8 tuổi trở lên): Người lớn yêu cầu các em thổi một quả bóng bay nhỏ. Hoạt động này nhằm chỉ ra điểm khác biệt giữa thổi mạnh và thổi nhẹ. Chúng ta hãy hỏi xem các em phải thổi mạnh bao nhiêu lâu thì mới làm căng quả bóng hết cỡ, còn muốn làm quả bóng căng một phần thì phải thổi mạnh bao nhiêu lâu?

Hãy để các em chơi với quả bóng, để nó xì hơi và bay quanh phòng và yêu cầu các em chú ý đến quả bóng lúc được thổi căng và liên hệ điều này với bụng của mình khi được hít đầy không khí.

Trò chơi thổi nến dành cho trẻ từ 11 tuổi trở lên. Hầu hết trẻ em học thổi nến trên bánh sinh nhật từ khi các em còn khá nhỏ nhưng vì lý do an toàn, hãy chỉ sử dụng hoạt động này cho trẻ từ 11 tuổi trở lên.

Chúng ta hãy thắp một ngọn nến và yêu cầu các em thổi tắt nó, thắp sáng lại và yêu cầu các em thổi nhẹ để ngọn lửa được “nhảy múa”. Chúng ta hãy thử xem các em có thể thổi mạnh đến mức nào trước khi nến tắt?


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật