A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất hiện nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về thầy cô và mái trường

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 diễn ra lúc 10h ngày 22/11, tại Hà Nội.

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức và phân công Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.

Cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với thầy cô, mái trường.

Xuất hiện nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về thầy cô và mái trường
Ban Tổ chức trao giải Nhất cho 2 tác giả xuất sắc dự cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2024. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Năm 2024, cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được phát động, nhận bài dự thi từ tháng 9/2024. Sau 2 tháng phát động, Cuộc thi đã đón nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo tác giả trên cả nước và nhiều tác phẩm chất lượng. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 85.000 bài dự thi.

Với số lượng bài tham gia cho thấy cuộc thi đã có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi.

Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp Trường/cấp Phòng/cấp Sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn Ngành, tiêu biểu là các Sở GD&ĐT: Bắc Giang, Quảng Trị, Hà Nội, Lào Cai, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Sơn La...

Xuất hiện nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về thầy cô và mái trường
4 tác giả giành giải Nhì cuộc thi. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá: "Năm nay, chất lượng các bài dự thi có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều bài viết rất tâm huyết, để lại cảm xúc sâu sắc.

Nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự kiên trì, tận tâm, thấu hiểu, ứng xử sư phạm khéo léo của người thầy với học trò; giúp học trò từ chán thành thích học, từ tự ti chuyển thành tự tin, từ người luôn nghĩ mình thất bại đã gặt hái được thành công…"

Đặc biệt, xuất hiện nhiều hơn các bài dự thi viết về tập thể. Đây vốn là chủ đề khó viết hay, nhưng tác giả đã thành công với cách khai thác câu chuyện khéo léo trên nền chất liệu thực sự có chất lượng. Nội dung bài dự thi cũng gắn với những vấn đề thời sự, như biệt phái giáo viên, khó khăn do cơn bão Yagi…

Xuất hiện nhiều câu chuyện đẹp, xúc động về thầy cô và mái trường
Ban Tổ chức trao giải Ba cho các tác giả. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Đó là câu chuyện của một học sinh Tiểu học về người cô giản dị với khuôn mặt phúc hậu và đặc biệt với ánh nhìn nghiêm nghị nhưng chan chứa yêu thương ở Mèo Vạc, Hà Giang - nơi đồng bào dân tộc Mông vẫn còn giữ tục lệ kéo vợ vào những ngày Tết của mình.

Cô Minh, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Cán Chu Phìn phải lặn lội đến gia đình đã kéo vợ một học sinh của lớp cô chủ nhiệm để giải cứu học trò.... Đối với tác giả, cô như người mẹ thứ hai, là người truyền cảm hứng trong mỗi bài giảng và truyền dạy những bài học làm người.

Hoàn cảnh học sinh Bùi Nguyễn Linh An khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu cùng nỗi đau thể xác và tinh thần, cô Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, TP Kon Tum, đã đến bên động viên, quan tâm, giúp đỡ em và gia đình trong lúc khó khăn. Sự giúp đỡ đấy không chỉ là vật chất mà còn là nguồn sức mạnh vô hình nâng đỡ tinh thần Linh An trong những ngày tháng tối tăm nhất.

Câu nói của cô tạo niềm tin rằng em đã có thể vượt qua tất cả: “Linh An ơi, con là một cô bé mạnh mẽ. Cô tin rằng con sẽ vượt qua được tất cả, chỉ cần con không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống”.

Học sinh Nguyễn Yến Lê, lớp 10 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội đạt giải Khuyến khích với tác phẩm dự thi “Bốn mùa dấu yêu”. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Học sinh Nguyễn Yến Lê, lớp 10 chuyên Sinh, trường THPT Chuyên Sư phạm Hà Nội đạt giải Khuyến khích với tác phẩm dự thi “Bốn mùa dấu yêu” (Ảnh: Thanh Tùng)

Hay các thầy cô làm công tác biệt phái đã trải qua bao khó khăn, vất vả vẫn quyết tâm, hăng hái lên đường hướng về những học sinh thân yêu...

"Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ góc nhìn đa chiều, đa diện, song dù ở góc độ nào, các tác phẩm dự thi đều là những hình ảnh đẹp, độc đáo về các thầy, cô giáo. Nhiều học sinh đã trở thành thầy, cô giáo và hiện trực tiếp giảng dạy cộng hưởng từ chính thầy cô của mình…", nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.

Từ gần 85.000 tác phẩm gửi về ban tổ chức, ban giám khảo đã lựa chọn được 46 tác phẩm vào vòng chung khảo. Từ đây, ban giám khảo chung khảo đề xuất 2 tác phẩm đoạt giải Nhất, 4 tác phẩm giải Nhì, 6 tác phẩm giải Ba và 10 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, có 4 giải thưởng phụ, 2 nhân vật tiêu biểu và 2 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi đạt chất lượng tốt được tuyên dương tại buổi lễ.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật