A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trúng tuyển sớm đại học, thí sinh nhẹ gánh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Việc trúng tuyển theo các phương thức xét học bạ, chứng chỉ IELTS, kỳ thi riêng... tại các trường đại học giúp thí sinh an tâm, bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm lý thoải mái.

Trúng tuyển sớm đại học, thí sinh nhẹ gánh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) trong 1 tiết ôn tập. Ảnh: Trang Hà

Cảm thấy an toàn vì trúng tuyển sớm

Những mùa tuyển sinh gần đây, bên cạnh điểm thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở giáo dục đại học có thêm nhiều phương thức xét tuyển khác như học bạ, chứng chỉ tiếng Anh, bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Phần lớn thí sinh đều chủ động lựa chọn từ 2 - 3 phương thức xét tuyển nhằm gia tăng cơ hội đỗ đại học cho bản thân.

Trúng tuyển liên tiếp 3 trường đại học nhờ phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với chứng chỉ tiếng Anh nên Nguyễn Trung Thành - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Tháng 10 (Tuyên Quang) có tâm lý khá thoải mái.

Nam sinh cho biết, bản thân đã đỗ Trường Đại học Thương mại ngành Thương mại điện tử, Học viện Ngân hàng ngành Tài chính - Ngân hàng và Trường Đại học FPT với ngành An toàn thông tin. Vì vậy, đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trung Thành không cảm thấy quá áp lực.

“Kỳ thi năm nay có tới 1 triệu thí sinh đăng ký xét tuyển, mức cạnh tranh khá lớn. Trong 4 năm trở lại đây, điểm đầu vào của các trường đại học có biến động rất lớn, thậm chí có trường hợp 26 - 27 điểm vẫn trượt đại học. Vậy nên, trúng tuyển sớm giúp em cảm thấy an tâm phần nào trước khi bước vào kỳ thi quan trọng” - Trung Thành chia sẻ.

Tương tự, bạn Nguyễn Minh Hiếu - học sinh lớp 12, Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) - cho biết, trúng tuyển sớm nhờ xét tuyển sớm giúp bản thân “thở phào” nhẹ nhõm. “Nhận thông báo trúng tuyển từ trường đại học mà mình mơ ước khiến em cảm thấy vỡ òa, nhất là trong thời điểm ôn thi cực kỳ căng thẳng. Em gần như đã trút bỏ được hết lo âu về kỳ thi nên việc ôn thi cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều” - Minh Hiếu vui mừng bày tỏ.

Lưu ý dành cho thí sinh trúng tuyển sớm

Đa dạng hình thức xét tuyển đại học giúp mở ra nhiều cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh. Điều này giúp thí sinh giảm phần nào áp lực thi cử cũng như trở thành động lực để các em cố gắng học tập trong môi trường phổ thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa - cho biết, dù trúng tuyển sớm, thí sinh vẫn cần nhớ những lưu ý nhất định.

“Thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường, nắm được điều kiện, số lượng tuyển sinh, học phí, từ đó sắp xếp và bố trí hợp lý các nguyện vọng. Nếu xác định ngành trúng tuyển sớm là ngành mình định hướng theo học, thí sinh có thể mạnh dạn điền nguyện vọng 1. Ngược lại, nếu chưa xác định được đó là ngành yêu thích, thí sinh hãy xếp bên dưới, đẩy những nguyện vọng yêu thích lên trên. Bởi theo nguyên tắc, giả sử thí sinh trượt hết những nguyện vọng bên trên, vẫn chắc đỗ ở ngành trúng tuyển sớm. Vậy nên, các bạn thí sinh hãy chủ động, tự tin trong việc đặt nguyện vọng” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh đưa ra lời khuyên.

Thí sinh cần lưu ý, trúng tuyển sớm chỉ là điều kiện cần, thí sinh cần vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT mới có thể chắc suất đỗ.

Dành lời khuyên cho các sĩ tử sắp bước vào kỳ thi quan trọng, cô Đỗ Thị Thu Nga - giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Tháng 10 (Tuyên Quang) chia sẻ: “Trong giai đoạn nước rút, các sĩ tử không nên cố nhồi nhét thêm kiến thức, điều này vừa không hiệu quả vừa tạo tâm lý hoang mang, lo sợ. Thay vào đó, các bạn nên học tập kết hợp với nghỉ ngơi, đảm bảo có một sức khỏe tốt để bước vào kỳ thi”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan