Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ đầu tiên ở Hà Nội hoạt động như thế nào?
Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) cho phép sinh viên, giảng viên và nghiên cứu sinh tiếp cận kiến thức và làm quen với các công nghệ kỹ thuật số mới, mang đến các hoạt động và dịch vụ không chỉ dành riêng cho sinh viên nói tiếng Pháp mà cho toàn cộng đồng đại học tại Việt Nam.
Đại học Bách khoa Hà Nội và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) mới đây đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) đầu tiên ở Hà Nội, đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
CNF mang đến nhiều hoạt động và dịch vụ dành cho không chỉ dành riêng cho sinh viên nói tiếng Pháp mà còn mở cửa cho toàn cộng đồng đại học tại Việt Nam, với mong muốn đóng góp cho chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam gắn liền đổi mới sáng tạo.
PGS. Huỳnh Quyết Thắng và ông Slim Khalbous cắt băng khánh thành Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ - CNF Hà Nội - tại Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội |
Điển hình, có thể kể đến các khóa học miễn phí về công nghệ mới, các cuộc thi lập trình, không gian co-working (làm việc chung) tại CNF. Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động của các câu lạc bộ Pháp ngữ, đồng thời giúp các sinh viên, giảng viên và nghiên cứu sinh tiếp cận kiến thức, làm quen với các công nghệ kỹ thuật số mới.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh, CNF không chỉ mở cho sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn cho tất cả sinh viên của Việt Nam nói riêng, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Các sinh viên có thể truy cập thư viện số để sử dụng toàn bộ học liệu tiếng Pháp tại đây.
Theo Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, các chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp của nhà trường đã có lịch sử từ những năm 1997, khi Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức tại Việt Nam.
Từ đó đến nay, nhà trường đã phát triển nhiều chương trình, chuyên ngành khác nhau, điển hình như Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin sử dụng tiếng Pháp như 1 ngôn ngữ bổ sung, trong đó có nhiều sinh viên của nhà trường đã được nhận học bổng của các nước nói tiếng Pháp.
Đánh giá cao hợp tác với AUF trong thời gian qua, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh, đây sẽ là tiền đề mở ra cơ hội cho các trường đại học ở Việt Nam nói chung, Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng để phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trường đại học trong khối Pháp ngữ thời gian tới để cùng phát triển.
Giáo sư Slim Khalbous - Tổng Giám đốc AUF chia sẻ, CNF được mở ra để tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên gặp gỡ, trao đổi và giao lưu, làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng sáng tạo. Tại đây, sinh viên cũng có thể tiếp cận với các khóa đào tạo ứng dụng công nghệ trong học tập và kết nối với các Trung tâm CNF khác trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc AUF cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang đề cập nhiều về khái niệm toàn cầu hóa, tiếng Pháp vẫn có cơ hội để phát triển. Các sinh viên khi biết thêm tiếng Pháp sẽ có thể mở rộng cánh cửa sự nghiệp của mình trong tương lai.
CNF Hà Nội là một không gian phục vụ cho việc học tập và thực hành kỹ thuật số, được thiết kế dưới dạng không gian mở dành cho các sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu của các trường ĐH đến trải nghiệm học tập, đào tạo các kiến thức về công nghệ giáo dục số cũng như làm quen với các thực tiễn công nghệ giáo dục mới.
Bên cạnh đó, CNF còn là nơi triển khai, thực hiện các dự án quốc gia và quốc tế của AUF và các đối tác. Hiện nay, AUF có một mạng lưới gồm 36 CNFs trên toàn cầu tại 8 khu vực: Bắc Phi, Trung Phi, Tây Phi, Nam Phi - Ấn Độ Dương, Châu Á - Thái Bình Dương, Ca-ri-bê, Trung và Đông Âu, Trung Đông.
Các Trung tâm này phục vụ cho các trường ĐH thành viên trong khu vực tương ứng trong việc đào tạo các công nghệ giáo dục mới; tổ chức các cuộc thi về công nghệ giáo dục, các hoạt động do câu lạc bộ sinh viên Pháp ngữ dẫn dắt; triển khai các dự án.
CNF Hà Nội được vận hành theo cơ chế phối hợp cùng quản lý bởi Đại học Bách khoa Hà Nội và AUF. CNF Hà Nội được kỳ vọng sẽ chiếm lợi thế trong việc kết nối và hỗ trợ hiệu quả hơn với các sinh viên Pháp ngữ tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam.
Trong chuyến làm việc lần này tại Việt Nam, AUF cũng đã phối hợp Đại học Đà Nẵng khánh thành Trung tâm Hướng nghiệp Pháp ngữ (CEF) Đà Nẵng. Đây là trung tâm thứ ba tại Việt Nam, sau 2 trung tâm đã được mở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2021.
Các Trung tâm CEF này tập trung vào 4 lĩnh vực chính gồm tư vấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn tìm việc làm; đào tạo kỹ năng mềm; cung cấp chứng chỉ; vườn ươm khởi nghiệp.
Việt Nam là một trong những quốc gia chiến lược của AUF với 44 cơ sở thành viên, chiếm gần một nửa số thành viên của mạng lưới AUF tại Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, hơn 40 dự án với số vốn 2,5 triệu euro đã được AUF triển khai nhằm hỗ trợ các trường đại học tại Việt Nam, xoay quanh các lĩnh vực chuyển đổi số và quản trị đại học, đào tạo giảng viên và đổi mới giáo dục, việc làm và khởi nghiệp, hợp tác quốc tế, nghiên cứu và đổi mới.