Rà soát, điều chỉnh sách giáo khoa sau sáp nhập
Từ ngày 1.7, sau sắp xếp địa giới hành chính cấp tỉnh và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều ngữ liệu trong sách giáo khoa (SGK) không còn phù hợp với thực tế và cần phải thay đổi.
Sách giáo khoa một số môn học sẽ được chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ảnh: Vân Trang
Sửa chương trình, SGK 4 môn học sau sáp nhập tỉnh, thành
Năm học 2024-2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tổ chức thực hiện xong một chu kỳ từ lớp 1 đến lớp 12 theo lộ trình.
Trong bối cảnh cả nước thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12.6.2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ GDĐT đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử và Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10.
Theo đó, các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội...
Việc chỉnh sửa chương trình môn học được thực hiện trên nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất việc thay đổi sách giáo khoa, tăng cường hướng dẫn để giáo viên, nhà trường chủ động thực hiện chương trình theo thẩm quyền cho phù hợp với thực tế.
Bộ GDĐT cho biết, đang khẩn trương hoàn tất rà soát, đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 để cập nhật, điều chỉnh một số môn học nhằm bảo đảm chương trình được triển khai phù hợp với thực tiễn; đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng giai đoạn. Trong đó, có các môn học bị ảnh hưởng do điều chỉnh địa giới hành chính.
Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân có sách giáo khoa được phê duyệt, chỉnh lý nội dung cần thiết để cập nhật thông tin hành chính mới theo hướng bảo đảm tính ổn định của sách giáo khoa, hiệu quả trong triển khai dạy học.
Gấp rút rà soát, triển khai
Thời điểm này, các nhà trường, thầy cô đều có chung mong muốn Bộ GDĐT cũng như các nhà xuất bản thực hiện việc điều chỉnh trong thời gian nghỉ hè để khi bước vào năm học mới học sinh, giáo viên sẽ học theo sách đã được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Về phía các đơn vị xuất bản SGK, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam - cho biết, NXB Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các Ban biên tập rà soát, thống kê nội dung về yêu cầu cần đạt, kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội, liên quan đến thay đổi địa giới hành chính và chính quyền hai cấp, báo cáo Bộ GDĐT xin ý kiến chỉ đạo để sửa chữa.
Sau khi Bộ GDĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học như Bộ GDĐT đã thông báo, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tiến hành sửa chữa SGK, trình Bộ GDĐT thẩm định thông qua theo đúng quy trình.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm, nguyên tắc của việc sửa SGK phải bám sát, cập nhật các nội dung về yêu cầu cần đạt, về kiến thức, số liệu, địa danh, bản đồ, biểu đồ, thông tin kinh tế xã hội…, trên nguyên tắc sao cho hạn chế thấp nhất việc sửa chữa nội dung của SGK. Những phương pháp, kiến thức; đặc biệt là phương pháp dạy học của SGK được cải thiện theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đúng định hướng.
NXB đã tổ chức biên soạn để tiệm cận chất lượng SGK các nước trên thế giới. Chất lượng của chúng tôi tập trung vào “Chuẩn mực khoa học và hiện đại”.
"Bộ GDĐT sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể về việc này, tinh thần là các nhà trường, các thầy cô giáo sẽ chủ động trong việc điều chỉnh ngữ liệu, nội dung bài học, chủ đề dạy học trên cơ sở phù hợp với thực tiễn địa phương và chính quyền hai cấp. NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ nhà trường và giáo viên sử dụng SGK hiện hành theo đúng chỉ đạo của Bộ GDĐT" - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng thông tin.
Ông Đoàn Văn Ninh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho biết, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, đơn vị đã huy động các Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả bộ sách giáo khoa Cánh Diều cùng đội ngũ biên tập viên và họa sĩ để rà soát các tên sách giáo khoa cần sửa, lập danh mục các điểm cần điều chỉnh.
Nhấn mạnh việc rà soát SGK, đặc biệt là các nội dung về kiến thức, số liệu, địa danh hay những thay đổi hành chính là điều quan trọng, ông Ninh khẳng định, VEPIC sẽ tập trung kiểm tra tính chính xác của kiến thức, sự phù hợp ngôn ngữ và hình ảnh, đảm bảo sách giáo khoa sẽ dễ hiểu và mang tính sư phạm.