A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh, lòng lợn

Từ đầu năm đến nay, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã ghi nhận hàng chục ca bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh, lòng lợn, tiếp xúc với thịt lợn bệnh hoặc ăn thịt lợn chưa nấu kỹ.

Điếc đột ngột do nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Hơn 4 tháng đầu năm 2023, thành phố Hà Nội ghi nhận 5 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 người tử vong; Trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại Bệnh viện

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn điều trị tại bệnh viện

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B) của bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân V.T (50 tuổi), vào viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc chậm, đau đầu, buồn nôn, nôn nhiều, giảm thính lực đột ngột, điếc hoàn toàn.

Qua khai thác yếu tố dịch tễ được biết, hai ngày trước khởi phát bệnh, bệnh nhân có ăn lòng lợn tiết canh.

Sau khi kết hợp thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân bị viêm màng não do Streptococcus suis (vi khuẩn liên cầu lợn) biến chứng điếc hai tai. Sau một thời gian tích cực điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định, tuy nhiên thính lực cần thời gian lâu hơn để hồi phục.

Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn. Đa phần bệnh nhân nhập viện với triệu chứng điếc, ù tai.

Từ trường hợp này, các bác sĩ cảnh báo, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn là bệnh rất nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng nề, trong đó mất thính lực là một biến chứng thường gặp. Bệnh viêm màng não thường có các triệu chứng gồm sốt cao kèm rét run; Đau đầu, chóng mặt; Buồn nôn và nôn; Đau mỏi cơ.

Các dấu hiệu màng não gồm co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi, dấu hiệu điển hình là mất thính lực. Ngoài ra, bệnh nhân còn có phát ban ngoài da như chấm xuất huyết, ban xuất huyết… hoại tử ngón tay và ngón chân.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, kiêm Chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Việc phòng ngừa bệnh có ý nghĩa quan trọng để tránh các biến chứng nặng nề. Theo đó, các hộ chăn nuôi cần phòng chống dịch bệnh trên lợn, tiêm phòng cho lợn đúng quy trình.

Người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, rõ nguồn gốc; Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; Không giết mổ, ăn thịt lợn bị ốm, không rõ nguồn gốc".

Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn thịt lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn, nem chua trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Sốt cao liên tục, tay thâm đen sau khi ăn lòng lợn

Thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa điều trị cho nữ bệnh nhân 59 tuổi, tại Hà Nội bị sốc nhiễm khuẩn sau khi ăn lòng lợn.

Khai thác tiền sử, cách đây 4 ngày bệnh nhân và gia đình có ăn lòng lợn, không ăn tiết canh. Sau ăn lòng lợn một ngày bệnh nhân xuất hiện sốt cao, liên tục rét run, kèm đi ngoài phân lỏng 5 lần/ngày, buồn nôn, nôn ra thức ăn, đau đầu âm ỉ, đau mỏi toàn thân.

undefined

Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện (Ảnh: BVCC)

Sang ngày thứ 2, bệnh nhân xuất hiện mảng tím đen trên da vùng mặt được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, tổn thương da dạng ban tím toàn thân. Bệnh nhân được xét nghiệm khí máu toan chuyển hoá nặng, thở oxy kính/mask, lọc máu liên tục, cấy máu, dịch não tủy do S.suis (liên cầu lợn).

Bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 2/8/2023 trong tình trạng thở oxy mask 15 lít/phút. Sau đó bệnh nhân thở gắng sức phải chuyển sang thở oxy lưu lượng cao.

Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết có viêm màng não do liên cầu lợn, suy hô hấp, tình trạng bệnh cải thiện chậm. Sau một ngày điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Không chỉ ăn thịt lợn chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn mà các bác sĩ cho biết, nhiều người chỉ tiếp xúc với lợn bệnh, trên da có vết thương hở hoặc trầy xước cũng dễ dàng nhiễm bệnh.

Do đó, người dân không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Khi có biểu hiện mắc bệnh, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan