A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế Bình Dương: Hiệu quả từ Đề án 06 trong khám, chữa bệnh

Thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), ngành Y tế tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Một trong những kết quả nổi bật của ngành Y tế tỉnh Bình Dương trong thực hiện Đề án 06 là các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân đã mua sắm tích lũy tổng cộng 217 đầu đọc thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Số liệu thống kê trên cổng bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện toàn tỉnh đã có hơn 1,9 triệu thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH tích hợp/xác thực với số CCCD, định danh cá nhân qua cơ sở dữ liệu quốc gia. 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với tổng lượt tra cứu thành công là hơn 1,3 triệu người phục vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động quản lý, điều hành. Cụ thể, Sở Y tế đã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS) kết nối liên thông với hệ thống thông tin giám định BHYT, hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng, hệ thống thông tin quản lý sức khỏe sinh sản qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành ngành y tế, phục vụ công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Với mục tiêu cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế. Theo đó, ngành Y tế đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 20.000 lượt cán bộ y tế về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong khám, chữa bệnh.

Người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để đăng ký khám bệnh. Ảnh: Hoàng Linh
Người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để đăng ký khám bệnh (Ảnh: Hoàng Linh)

Trong công tác liên thông dữ liệu, hiện toàn ngành Y tế có 22 cơ sở y tế đã chuyển dữ liệu khám sức khỏe phục vụ cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến, 28 cơ sở y tế cấp giấy chứng sinh và 17 cơ sở y tế liên thông giấy báo tử. Tổng số các trường hợp ngành đã hoàn thành liên thông gần 43.000 trường hợp.

Với các danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe, Sở Y tế đã gửi Sở Giao thông vận tải và Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện cung cấp dịch vụ cấp giấy phép lái xe trực tuyến.

Về chứng thư số, 100% cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe đã có chứng thư số và sẵn sàng thực hiện ký số. Sở Y tế cũng đã tổng hợp nhu cầu ký số của công chức, viên chức ngành y tế để phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông đăng ký chứng thư số tập trung sử dụng thiết bị gửi Cục Chứng thực, bảo mật - Ban Cơ yếu Chính phủ để xét cấp cho viên chức ngành Y tế.

Hiện toàn tỉnh có 21 cơ sở y tế đã được cung cấp tài khoản, nhập thông tin lưu trú của người bệnh, thân nhân người bệnh lưu trú. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã có gần 34.000 trường hợp được đẩy thông tin lưu trú lên phần mềm.

Ngành Y tế tỉnh Bình Dương cũng đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, ngành cũng đã triển khai hệ thống đặt lịch khám, tư vấn trực tuyến, hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án điện tử... Qua đó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, thuận tiện và tiết kiệm thời gian.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương

Nhờ những nỗ lực của ngành Y tế tỉnh Bình Dương, chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ khám, chữa bệnh đúng tuyến đạt trên 85%, tỷ lệ hài lòng của người dân với chất lượng khám, chữa bệnh đạt trên 90%.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, Đề án 06 là một bước đột phá trong chuyển đổi số tại Việt Nam và Bình Dương nói riêng. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp có tính đa dạng cao, mang lại hiệu quả thiết thực.

Việc triển khai Đề án 06 mang lại những lợi ích trước mắt và lâu dài, có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân; góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và phiền hà cho người dân.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, từ nền tảng những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trong khám, chữa bệnh, góp phần xây dựng ngành y tế Bình Dương ngày càng phát triển.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan