Nắm vững cấu trúc, giành điểm cao tiếng Anh
Với nhiều năm kinh nghiệm ôn thi cho học sinh vào lớp 10, Th.S Lê Thị Mai, giáo viên môn tiếng Anh, trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chia sẻ với sĩ tử 2K9 một số "bí kíp" để giành điểm cao môn Tiếng Anh.
Cô Lê Thị Mai chia sẻ: "Các học sinh lớp 9 đang bước vào giai đoạn nước rút, vì vậy giữ được tâm thế ổn định để ôn tập, có chiến thuật làm bài thi là vô cùng cần thiết và quan trọng".
Cô Lê Thị Mai - giáo viên tiếng Anh trường THCS Nguyễn Du |
Theo cô Mai, với dạng bài thi 100% trắc nghiệm như môn tiếng Anh để đạt được điểm 9 -10 các em cần phải lưu ý nhiều yếu tố.
Thứ nhất, các em cần nắm vững cấu trúc đề thi vào 10 môn tiếng Anh của Hà Nội những năm gần đây.
Đề thi thường rơi vào khoảng 40 câu, mỗi câu 0.25 điểm bao gồm các phần: Trọng âm, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các câu giao tiếp, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, tìm lỗi sai trong câu, phần đọc hiểu và phần viết lại câu, xây dựng câu.
Từ đó, các em sẽ lên chiến thuật cho bản thân để chinh phục điểm cho từng phần một cách tốt nhất. Các em có thể tìm đề thi để luyện riêng từng phần hoặc tìm các dạng đề tổng hợp để luyện.
Thứ hai, trong quá trình ôn luyện những dạng bài nào mình hay sai hoặc kiến thức nào chưa vững thì cần dành thời gian nhiều hơn để luyện cũng như ôn tập lại. Tránh trường hợp các em không hiểu nhưng vẫn tiếp tục luyện đề, như vậy điểm số sẽ không thể tăng ở đề luyện tiếp theo.
Đặc biệt, các em cũng cần phải ghi ra các câu mình làm sai, sau đó tìm hiểu kỹ nguyên nhân vì sao sai, lần sau gặp lại chúng ta sẽ tránh và không mắc sai lầm nữa.
Cô Mai và học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Du |
Thứ ba, với những học sinh mong muốn mục tiêu là 9 - 10 điểm, các em đã nắm chắc kiến thức cơ bản thì nhiệm vụ tiếp theo là luyện tập nhiều dạng câu nâng cao, có nhiều bẫy để rèn cho mình kỹ năng làm bài cẩn thận, không vội vàng và chủ quan.
Thứ tư, trước hôm thi khoảng 3 - 4 ngày, chúng ta không cần thiết phải luyện thêm đề mới. Hãy dành thời gian để xem lại toàn bộ các đề đã luyện, những kiến thức đã đánh dấu và các cấu trúc câu đã ghi chú được trong quá trình luyện đề để ghi nhớ thêm một lần nữa và hạn chế được các lỗi sai hay gặp phải.
Thứ năm, khi làm bài thi, các em cần đọc kĩ, xem thật kĩ đề bài yêu cầu làm gì để tránh trường hợp nhìn thấy các từ quen thuộc vội vàng chọn đáp án đúng nhưng lại nhầm lẫn giữa hai dạng bài Closest và Opposite. Với dạng bài trắc nghiệm, các em nên sử dụng phương pháp loại trừ, đoán từ theo văn cảnh của câu và bài đọc.
Các em phải luôn cảnh giác và tỉnh táo để không bị thông tin nhiễu hoặc các "hố bẫy" mà đề đã đưa vào nhằm đánh lạc hướng.
"Trong bài thi sẽ có rất nhiều "bẫy", đặc biệt là các từ giống nhau, các cấu trúc tương tự nhau nên các em cần phải gạch chân các "key word" của từng đáp án để phân biệt và đưa ra sự lựa chọn sáng suốt nhất", cô Mai lưu ý thí sinh.