A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa hè không nghỉ của thầy cô

3 tháng hè là khoảng thời gian thầy cô được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học miệt mài đứng trên bục giảng. Ngược lại, ở Hà Nội, mùa hè với đa số giáo viên là mùa không nghỉ. Nhiều công việc đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, năng lượng của các thầy, cô giáo trong dịp hè.

Chưa có một mùa hè trọn vẹn

Gần 20 năm bước chân vào nghề, thầy giáo Nguyễn Việt Dũng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ bản thân chưa có mùa hè nào trọn vẹn. “Sau lễ bế giảng năm học mới diễn ra vào cuối tháng 5, nhà trường còn rất nhiều công việc tiếp theo. Là giáo viên dạy khối 9 nên tôi còn có nhiệm vụ ôn thi cho các em, chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Các giáo viên khối dưới thì hoàn thiện sổ sách, rà soát cơ sở vật chất, kiểm đếm đồ dùng học tập, lên kế hoạch mua sắm mới…

Tuy không phải tất cả thầy cô đều tham gia cùng thời điểm nhưng rải rác trong hè, ai cũng làm việc. Chưa bao giờ giáo viên THCS có kỳ nghỉ hè trọn vẹn dù chỉ là một tháng”, thầy Dũng chia sẻ.

Mùa hè không nghỉ của thầy cô

Mùa hè, các thầy cô vẫn miệt mài tham gia tập huấn sách giáo khoa mới

Tiếp đó, các thầy cô được điều động sẽ tiếp tục với nhiệm vụ coi thi, chấm thi vào lớp 10. Trong khi chờ kết quả của học sinh khối 9, ban tuyển sinh của trường bắt đầu làm việc, chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học tiếp theo.

Đầu tháng 7 là khoảng thời gian hồi hộp nhận và trả kết quả thi vào lớp 10, thầy cô với tâm trạng vui buồn đan xen. Lúc này, thầy cô chủ nhiệm khối 9 cùng nhà trường rà soát, lập danh sách đơn phúc khảo bài thi vào lớp 10; Cử giáo viên chấm và trả kết quả phúc khảo.

Đan xen trong tháng 7 là các đợt tập huấn chuyên môn theo kế hoạch của Phòng, Sở GD&ĐT và nhà trường, đặc biệt là các khóa tập huấn sách giáo khoa mới. Chưa kể, giáo viên sẽ tham gia nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT nếu được Sở GD&ĐT điều động. Công tác tuyển sinh lớp 6 thường bắt đầu từ tuần 2 tháng 7 song song với các đợt tập huấn của giáo viên. Khi mùa hè chuyển đến tháng cuối cũng là lúc giáo viên chính thức làm việc, chuẩn bị năm học mới.

Cập nhật kiến thức, sẵn sàng cho năm học mới

Không có nhiệm vụ coi và chấm thi như giáo viên cấp THCS nhưng ở bậc tiểu học, các cô cũng miệt mài với những công việc gắn liền với trường, lớp suốt mùa hè. Tại trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội), cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Cũng như những mùa hè trước, năm nay, giáo viên nhà trường tận dụng thời gian nghỉ hè đi tập huấn chương trình sách giáo khoa mới và lên kế hoạch xây dựng bài giảng.

Mùa hè không nghỉ của thầy cô

Cán bộ, giáo viên quận Ba Đình tham gia tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới

Sau đó, các thầy cô chuẩn bị tiết dạy theo từng phân môn để dạy thử trước đồng nghiệp, rút kinh nghiệm. Từ đó, giáo viên đưa ra phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh của nhà trường”.

Với từng đó “đầu việc”, theo cô Hương, gần như giáo viên không có thời gian nghỉ hè. Bận rộn là thế nhưng cô Hương và các đồng nghiệp không cảm thấy vất vả. Trái lại, cô cho rằng đây là khoảng thời gian vô cùng quý báu giúp giáo viên cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, phát triển kỹ năng giảng dạy, từ đó mang lại lợi ích cho học sinh trong năm học mới.

“Quá trình tập huấn có khó khăn nhất định. Ví dụ, một số phương pháp dạy học mới có thể không phù hợp với tình hình lớp học, đặc điểm của học sinh. Có giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn trong thích ứng, áp dụng những thay đổi vào công việc. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, linh hoạt và khả năng thích nghi để tận dụng tối đa những gì học được trong quá trình đào tạo”, cô Hương chia sẻ.

Để chuẩn bị cho năm học mới, suốt kỳ nghỉ hè, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình có chỉ đạo thường xuyên, liên tục đến các nhà trường. Không chỉ rà soát, kiểm tra thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, trường, lớp, bàn ghế, quận cũng triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình - ông Lê Đức Thuận cho biết. Phòng đã triển khai tổ chức tập huấn trực tuyến sử dụng sách giáo khoa môn Khoa học lớp 4 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sách Cánh diều.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình đánh giá: “Tập huấn chuyên môn là hoạt động cần thiết, thường niên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Qua đó cho thấy, tinh thần không ngừng đổi mới, tích cực trau dồi, trao đổi chuyên môn của giáo viên và sự chỉ đạo sát sao từ Phòng GD&ĐT quận đến ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên các nhà trường”.

 


Nguồn:https://tuoitrethudo.com.vn/mua-he-khong-nghi-cua-thay-co-229064.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan