Ho húng hắng tưởng là bệnh tuổi già, người đàn ông phải cắt một phần lá phổi vì ung thư
Khoảng 1 tháng trước khi phát hiện ung thư, người đàn ông chỉ có cảm giác tức ngực và thi thoảng có húng hắng ho và chỉ nghĩ bệnh lý người già.
Mới đây, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật – Can thiệp tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiến hành phẫu thuật cắt 2 thùy phổi cho người bệnh mắc ung thư phổi.
Nam bệnh nhân 62 tuổi, trú tại Nguyễn Huệ - Đông Triều, Quảng Ninh. Trong một lần đi khám, ông phát hiện có khối u thùy trên phổi phải kích thước 3,5x3,9cm. Qua sinh thiết, các bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư phổi biểu mô tuyến. Khi nhận được kết quả, người bệnh cùng gia đình rất bất ngờ bởi trước khi vào viện khoảng 1 tháng ông chỉ có cảm giác tức ngực và thi thoảng có húng hắng ho. Người bệnh chỉ nghĩ đó là do tuổi già chứ không hề biết đó là dấu hiệu của ung thư.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ thống nhất phương án phẫu thuật cắt thùy trên kèm nạo vét hạch cho người bệnh. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lơi, an toàn trong vòng 3 giờ đồng hồ. Người bệnh sau phẫu thuật ổn định, phục hồi tốt và đã được xuất viện sau 8 ngày điều trị tại bệnh viện. Sau khi ra viện người bệnh sẽ tái khám theo hẹn để có thể triển khai phác đồ điều trị bằng hóa trị, xạ trị.
Theo ThS.BS Nguyễn Quang Toản, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, ung thư phổi là một trong những ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong đứng hàng đầu trong các loại ung thư. Đối với người bệnh ở giai đoạn III A trở xuống thì phẫu thuật cắt thùy hoặc phân thùy cùng với nạo vét hạch rất quan trọng trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Khi tiến hành phẫu thuật cho nam bệnh nhân trên, các bác sĩ nhận thấy tổn thương u dính chặt vào thùy giữa ở rãnh liên thùy nên đã quyết định cắt cả thùy trên và thùy giữa kèm nạo vét hạch vùng để đảm bảo lấy bỏ hết tổn thương cho người bệnh.
Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ mắc ung thư phổi nhưng 90% các trường hợp là do hút thuốc. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), những người hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư phổi cao gấp 15 – 30 lần so với những ai không hút. Đối với những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động), nguy cơ ung thư phổi cũng sẽ tăng lên.
Khi khói thuốc lá vào cơ thể, nó sẽ bắt đầu làm tổn thương mô phổi. Phổi có thể sửa chữa những tổn thương này, nhưng việc hít khói thuốc mỗi ngày sẽ dần dần khiến nó mất đi khả năng tự chữa lành tổn thương.
Một khi các tế bào phổi bị tổn thương, chúng sẽ bắt đầu hoạt động một cách bất thường, làm tăng khả năng phát triển khối u ác tính. Đây là lý do ung thư ở phổi tế bào nhỏ hầu như luôn liên quan đến việc hút thuốc nhiều. Chỉ khi ngừng hút thuốc, bạn mới giảm thiểu được nguy cơ mắc bệnh theo thời gian.
Việc hít thở các chất độc hại khác trong thời gian dài sẽ dẫn đến xơ phổi. Nguy cơ mắc khối u ác tính sẽ tăng gấp 7 lần nếu hiện tượng phổi bị xơ hóa tiến triển. Một số chất được coi là tác nhân gây bệnh bao gồm silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium…
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính dẫn đến việc mắc ung thư phổi. Ảnh minh họa.
Phòng tránh ung thư phổi
- Tránh xa thuốc lá: Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng thử. Nếu đã hút thuốc trong nhiều năm, hãy ngừng ngay. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với khói thuốc bằng cách vận động người thân không hút thuốc, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và tránh đến các khu vực có nhiều người hút thuốc, chẳng hạn như quán bar, nhà hàng, quán cà phê…
- Kiểm tra mức độ radon (một loại khí có thể gây ung thư phổi) trong nhà: Đảm bảo nó luôn ở ngưỡng an toàn.
- Tránh các chất gây ung thư phổi tại nơi làm việc: Nếu phải làm việc trong môi trường có chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư ác tính ở phổi, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình khỏi tiếp xúc với chúng. Những biện pháp này bao gồm đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ…
- Có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả: Việc tuân thủ thực đơn đa dạng các loại rau củ quả, hạn chế thịt đỏ và các loại thịt đã qua chế biến đã được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có bệnh ung thư phổi.
- Tập thể dục đều đặn: Nguy cơ mắc các loại ung thư sẽ giảm đi nếu bạn vận động thường xuyên. Hãy cố gắng tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, với bất kỳ hình thức nào như đi bộ, đạp xe, yoga, nhảy dây, bơi lội…