A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáp Tết, ngộ độc rượu gia tăng

Tết Nguyên đán đang cận kề, đây cũng là dịp nhiều buổi liên hoan, tiệc tùng diễn ra. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ rượu của người dân tăng cao. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm các ca ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng.

Mù mắt vì ngộ độc rượu methanol

Thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, nơi đây đã liên tục tiếp nhận và cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Có 3 trường hợp bị mù mắt hoàn toàn.

Chia sẻ về 3 bệnh nhân bị mù mắt do rượu, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc vào Bệnh viện trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có uống rượu và rượu mua ở đâu gia đình không biết.

Một bệnh nhân khác, trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ tuyến dưới, nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và chỉ thấy đau đầu. Xét nghiệm rượu 2 bệnh nhân đã uống phát hiện có methanol, với hàm lượng trên 24 mg/l. Đa số trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không”: không nhãn mác - không nguồn gốc - không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này đã bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.

Không chỉ có ba trường hợp này, những năm qua, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn, đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0, nguy hiểm đến tính mạng.

Giáp Tết, ngộ độc rượu gia tăng

Bệnh nhân ngộ độc rượu điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Theo các chuyên gia y tế, rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, phân bố tới não và toàn bộ các mô, vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác.

Trong khi đó, rượu chứa cồn công nghiệp rất khó phân biệt với rượu thực phẩm. Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình như hôn mê hoặc mù mắt, bệnh nhân lúc này đã trong tình trạng nặng. Thống kê từ những trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật...

Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có một điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn. Theo các bác sỹ, đây cũng là lí do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.

Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.

Khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ như vậy thì đã quá muộn vì lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn; não bị hoại tử...

Người dân nên thận trọng khi sử dụng rượu, bia

Theo các bác sĩ, ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường bắt đầu từ Tết Dương lịch đến sau Tết Nguyên đán. Thời điểm này, bệnh nhân nhập viện trong nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Các bệnh nhân đến viện thường ở dưới 2 diện. Thứ nhất là ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu. Hai là lạm dụng rượu trong thời gian quá dài. Các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn cũng là lơ mơ, lẫn lộn, kích thích, thậm chí là hôn mê, hôn mê sâu. Những trường hợp trở nặng hơn có thể co giật, phù não. Về tim mạch thì có thể là tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, hạ đường máu".

Giáp Tết, ngộ độc rượu gia tăng

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc rượu

Không chỉ dẫn đến nguy cơ ngộ độc, theo các chuyên gia y tế, rượu còn là một trong những căn nguyên dẫn đến loạn thần, giảm trí nhớ, mất ngủ, tai biến, nghiện, kích động và bạo lực. Tác hại của rượu lên hệ tiêu hóa dẫn đến xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, viêm dạ dày…

Đối với vấn đề sinh sản, rượu có thể dẫn đến nguy cơ sinh con dị tật, giảm khả năng sinh dục. Ngoài ra, rượu có thể gây ra nhiều hệ lụy khác đối với sức khỏe con người, như: Tăng huyết áp, suy tim; tê ngón tay, ngón chân, run tay/chân, đau dây thần kinh…

Rượu là chất tác động lên thần kinh, nên khi uống làm não chúng ta mất khả năng kiểm soát vì thế sẽ uống nhiều hơn. Dù các chuyên gia y tế đã có khuyến cáo về lượng uống cho nam và nữ bao nhiêu phải dừng nhưng khi đã uống rất dễ thành lạm dụng bia rượu.

Từ góc độ chuyên môn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Đối với nam giới không nên uống quá 400 cc ml bia loại 5 độ, còn đối với rượu mạnh khoảng từ 40 độ chẳng hạn thì không nên uống quá 50cc ml. Đối với nữ giới chỉ nên uống bằng một nửa nam giới đổ lại.

“Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu. Kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol). Không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Đang chờ cập nhật