'Hồ Medusa' biến xác thịt thành đá
Từ lâu, các nhà khoa học đã bị thu hút bởi hiện tượng ly kỳ mà rùng rợn này nhưng đến nay, họ vẫn chưa thật sự giải mã hết nó.
![]() |
Hồ Natron là nơi sinh sản thường xuyên duy nhất ở Đông Phi của loài hồng hạc nhỏ đang trong tình trạng bị đe dọa. Ảnh: Patrika.com - Southerntanzaniasafari.com |
Nếu nhân vật thần thoại Hy Lạp Medusa tóc rắn biến tất cả người nhìn vào mắt mình thành đá thì hồ Natron ở châu Phi biến xác động vật thành thi thể cứng ngắc như xác ướp. Từ lâu, các nhà khoa học đã bị thu hút bởi hiện tượng ly kỳ mà rùng rợn này nhưng đến nay, họ vẫn chưa thật sự giải mã hết nó.
Nghĩa địa chim hóa đá
Natron là hồ nước mặn nằm ở phía Bắc Ngorongoro (Arusha, Tanzania - quốc gia Đông Phi), trong Đới giãn tách Gregory thuộc nhánh phía Đông của Đới giãn tách Đông Phi. Nó được sông Ewaso Ng’iro bắt nguồn từ Trung Kenya, quốc gia giáp ranh với Tanzania cấp nước, sâu chưa đến 3m nhưng không có chỗ thoát nước nên đọng muối, biến thành hồ nước mặn.
Diện tích Natron dao động tùy mùa mưa hay khô, có thể dài rộng tối đa 57 x 22km. Cái tên Natron của nó được đặt theo hóa chất chủ đạo trong hồ, hỗn hợp natri cacbonat và baking soda.
Chất này từ các ngọn đồi xung quanh chảy vào do xói mòn đất và vì nó chỉ có duy nhất một cách thoát nước là bốc hơi nên nồng độ natron càng lúc càng đặc, đẩy nồng độ pH (nồng độ kiềm) lên mức tối đa. Hiện, pH trong hồ khoảng 10,5, tương đương với amoniac.
Trong tự nhiên, amoniac có tính ăn mòn. Năm 2011, khi lang thang chụp ảnh cho cuốn sách động vật hoang dã đang trong nguy cơ tuyệt chủng ở Đông Phi, nhiếp ảnh gia Nick Brandt (Anh) vô tình đặt chân đến đây và sững sờ trước cảnh tượng chưa từng thấy ở đâu trên thế giới. Xung quanh bờ hồ là hàng ngàn xác chim hóa đá. Chúng khô cứng và vẫn còn nguyên vẹn lông, hoàn hảo không khác gì xác ướp chất lượng cao.
“Tôi choáng ngợp”, Brandt kể lại. Lập tức, anh chụp ảnh các xác chim hóa đá. Suốt 3 tuần, anh thuê người dân tìm chọn ra các xác chim hóa đá đẹp nhất để chụp hình. “Có hôm, có người mang đến cho tôi con đại bàng bắt cá còn nguyên vẹn như thể đang sống. Ở một đoạn bờ hồ, tôi thấy cả trăm xác con chim sẻ”, anh kể tiếp.
Với pH trên 10, nước hồ Natron ăn mòn mạnh đến nỗi chỉ cần bị dính một ít cũng đủ cháy da thịt. “Nó rất đau và tất nhiên là chẳng ai lại dại dột đi bơi ở đây”, nhiếp ảnh gia Brandt nói.
Hàng nghìn con chim bị hóa đá trên bờ hồ chắc chắn cũng không dại dột mà lao xuống đây. Theo giả thuyết của Brandt, chúng chỉ bay ngang qua nhưng vì mặt hồ quá sáng làm chúng lầm tưởng là bầu trời nên cứ bay xuyên qua.
Chuyện này tương tự với hành vi đâm vào cửa kính, đặc biệt là các ô cửa kính trên cao. Bị ướt, chim rơi không bay lên được và phải chịu cảnh bị kiềm ăn mòn da, chết trong đau đớn, hoảng loạn và cuối cùng bị hàm lượng muối cao ướp thành xác ướp.
Mùa mưa, Natron ngập nước nên xác chim ướp muối chìm nổi trong lòng hồ. Mùa khô, nước rút, chúng mới bị phơi khô và biến thành xác chim hóa đá.
Vài bức ảnh trong album 'Hóa đá' của nhiếp ảnh gia Nick Brandt. Ảnh: Patrika.com - Southerntanzaniasafari.com
Thiên đường sống của hồng hạc
Trái với số phận đáng thương của những con chim bị hóa đá, hồ Natron tuy khắc nghiệt nhưng vẫn là môi trường sống của một số sinh vật. Hệ thực vật của nó là những vi khuẩn ưa mặn. Vào mùa khô, khi độ mặn của Natron lên đỉnh điểm và trời nắng chói chang, chúng còn đổi màu, khiến nước hồ rực rỡ từ màu cam đến đỏ thẫm.
Nhiệt độ ở đây rất cao, thường là 40 độ C và có khi lên đến tận 60 độ C. Cộng với hàm lượng muối cao, nó không phải môi trường sinh tồn lý tưởng nhưng lại vẫn là nhà của một số động vật bất chấp nghịch cảnh như cá rô phi kiềm Alcolapia latilabris và cá rô phi kiềm A. ndalalani. Đặc biệt, nó là nơi sinh sản thường xuyên duy nhất ở Đông Phi của khoảng 2,5 triệu con hồng hạc nhỏ đang trong tình trạng bị đe dọa.
Món ăn ưa thích của chim hồng hạc nhỏ là Spirulina, loài tảo lam có sắc tố đỏ và hồ Natron mặn chát là địa bàn sinh sôi lý tưởng của loài tảo ưa muối này. Độ mặn càng tăng, chúng càng sinh trưởng theo cấp số nhân, biến Natron thành biển tảo đỏ rực.
Ngoài lượng tảo Spirulina như vô hạn, hồ Natron còn cung cấp cho hồng hạc nhỏ ngôi nhà siêu an toàn vì không có loài săn mồi. Vì thế mà cứ đến mùa sinh sản, chúng lại tập trung ở đây, đẻ trứng và nuôi con trên các bãi bùn.
Hồ Natron ăn mòn da thịt ngay tức khắc vì nồng độ pH cao trên 10. Ảnh: Ancient-origins.net
Sau khi album ảnh “Hóa đá” (The Calcified) với mẫu chính là những xác chim bị hóa đá ở hồ Natron của nhiếp ảnh gia Brandt được xuất bản, hàng loạt nhà khoa học đã đổ tới nơi này để tận mắt chứng kiến và tìm hiểu. Họ phát hiện tình trạng hóa đá xảy ra khá nhanh và tuyên bố nguyên nhân do lượng muối cao.
Nó bảo quản xác thịt và khi xác thịt này bị khô đi thì biến thành xác ướp muối cứng như đá. Tảo Spirulina và một số loài cá an toàn sinh cư ở hồ Natron là vì chúng đã tiến hóa để thích nghi với môi trường này. Hồng hạc nhỏ thì chủ yếu kiếm ăn ở vùng nước nông và nhờ chân dài da vảy cứng, chúng tránh được bị ăn mòn đến bị thương.
Trong khi dễ dàng giải mã hiện tượng hóa đá, các nhà khoa học không rõ tại sao lại có quá nhiều loài chim bị ngã xuống hồ Natron. Tuy giả định của nhiếp ảnh gia Brandt khá hợp lý, nhưng nó vẫn chưa được chứng minh vì khác với cửa kính, mặt hồ nằm ngang bằng hoặc thấp hơn mặt đất, lũ chim không có lý do gì để tưởng nó là khoảng không mà bay xuyên qua.
Châu Phi là cái nôi của nhân loại nên một số nhà văn hóa gợi ý, các huyền thoại hóa đá trên toàn cầu, ví dụ như Medusa, có khả năng lấy cảm hứng từ hồ Natron. Tuy nhiên, vì hồ này nằm ở vị trí rất xa xôi và ngay cả trong thế giới chia sẻ thông tin rộng khắp ngày nay, nó vẫn chưa được nhiều người biết đến nên giả thuyết này khó mà thành lập.