A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chữ Học, chữ Thầy

Cứ gần đến ngày 20.11 hàng năm, tôi lại nhớ đến câu chuyện của mình hơn 40 năm về trước. Đó là ngày đầu tiên tôi đi học. Bố tôi - một quân nhân mới xuất ngũ - dắt tôi đến ngôi trường lọt thỏm trong làng Văn Quán, trên tay ông là một cái roi được vót tỉa cẩn thận, tới mức bóng lộn lên...

Chữ Học, chữ Thầy

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết chữ thư pháp tri ân những người thầy nhân dịp 20.11. Ảnh: Hải Nguyễn

“Cháu nhà tôi cơ bản là ngoan, nhưng trẻ con không khỏi những lúc ngỗ ngược, khó bảo, tôi lại hay vắng nhà nên nhờ cô nghiêm khắc dạy bảo cháu”, ông vừa nói vừa trao cho cô giáo cái roi một cách trịnh trọng.

Cái roi ấy rồi cũng được cô treo một cách trịnh trọng ở góc bảng, ngay sát chỗ cô ngồi.

Có đến vài chục năm sau, trong một dịp họp lớp, cô mới nói rằng: “Đời dạy học của tôi, chưa phải dùng cái roi ấy lần nào nhưng tôi cũng chưa bao giờ cất nó đi cho đến khi nghỉ hưu”.

Thực tế thì dù chưa một lần ăn roi, nhưng thế hệ học trò chúng tôi sau này gặp nhau vẫn gọi là “cây roi quyền lực”- một thứ quyền lực vừa đủ để răn dạy, vừa đảm bảo được tính kỷ luật. Có một câu mà chúng tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ. Cô bảo: “Kỷ luật là tự do. Ở tuổi các em, chỉ cần hiểu đơn giản là trong lớp này, nếu ai cũng được tự do, muốn làm gì cũng được thì sẽ không ai có tự do cả”. Lớn lên cái câu “Kỷ luật là tự do” hay “Càng kỷ luật - càng tự do” mới được thấu hiểu một cách rõ nét hơn, rằng kỷ luật là chìa khóa không chỉ mở ra tự do đích thực về mặt vật chất, mà còn tự do về mặt tinh thần, tâm trí. Không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn mang đến lợi ích cho cộng đồng.

Tất nhiên, duy trì kỷ luật có nhiều cách. Khi tôi học cấp 3 ở trường của thị xã, thầy hiệu trưởng là người gần gũi nhưng cũng cực kỳ nóng tính. Điều ám ảnh nhất đối với đám con trai mới lớn, tập toẹ hút thuốc trong trường chính là những cái tát “nhanh nhất Hà Đông” như sau này chúng tôi vẫn gọi của thầy. Khi đã lớn hơn, khi đã đủ trải nghiệm, nhiều người vẫn cảm ơn cái tát của thầy hiệu trưởng.

***
Làm thế nào để duy trì được kỷ luật và cân bằng lòng yêu thương trong nhà trường là một việc khó. Nhất là ở thời điểm bây giờ. Tôi đã từng nghe một cô giáo dạy cấp 1 chia sẻ trong nước mắt, rằng: “Có lẽ em phải bỏ nghề vì em không còn biết phải dạy bọn trẻ như thế nào. Chúng em cũng là con người, cũng nhiều áp lực, có những lúc nóng nảy, nhỡ tay tét đít học trò một cái là hôm sau có khi phụ huynh mang đơn kiện đến tận trường, rồi kỷ luật, mất việc như chơi...”.

Nó cũng chẳng phải là câu chuyện xa xôi: Mạng xã hội tuần rồi xôn xao câu chuyện một giáo viên dạy lớp 2 phải nghỉ việc vì quên tháo chun buộc tóc cho học trò trước khi ngủ. Phụ huynh đã đăng bài trên Facebook phản ánh về việc cô không niềm nở và tận tâm với con của mình. Kết quả cô phải thông báo chia tay học trò. Hay một chuyện khác, chỉ vì bắt học sinh viết bản kiểm điểm, cô giáo cũng bị cho nghỉ việc. Hoặc, ở Thanh Hóa ngay tháng 11 này, các học sinh đi học muộn, không đeo khăn quàng, không đội mũ bảo hiểm bị cô giáo chủ nhiệm bêu tên trong nhóm chat phụ huynh. Sự việc khiến nhiều phụ huynh bức xúc và cho rằng, việc “bêu tên” trong nhóm chat của phụ huynh là thái quá. Còn thầy hiệu trưởng thì cho rằng: “Cô giáo chủ nhiệm nhắn nội dung trên lên nhóm phụ huynh là để răn đe học sinh. Tuy nhiên, cô giáo đã đưa ra thông tin về nội quy, quy định của nhà trường như vậy là chưa đúng”, nhà trường đã yêu cầu cô giáo chủ nhiệm làm bản tường trình để làm việc với hội đồng nhà trường và tiến hành rút kinh nghiệm.

Có hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện tương tự như vậy được phản ánh. Có người nói “bây giờ là thời thầy cô sợ học trò”. Như thế đúng hay sai?

Nhưng có một sự thật là tình hình thiếu giáo viên ở hầu khắp các địa phương. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Kim Sơn báo cáo trước Quốc hội: Cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và tiếp tục gia tăng không ngừng. Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Ngoài chuyện lương thấp, áp lực... có bao nhiêu trong số hơn 17.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc kia không còn giữ nổi ngọn lửa yêu nghề khi cảm thấy nghề giáo của mình không còn được coi trọng, khi mà họ loay hoay không biết làm cách nào để duy trì kỷ luật nơi giảng đường, nhất là khi đối mặt với những học sinh hư?

Khi nói đến kỷ luật, ngành sư phạm hay nhắc đến một phương pháp - phương pháp giáo dục Makarenko. Anton Makarenko (1888 - 1939) là nhà sư phạm vĩ đại người Ukraina nổi tiếng với tác phẩm “Bài ca sư phạm” - tác phẩm xuất sắc của người thầy giáo hết lòng yêu trẻ. Sự kết hợp giữa lòng tôn trọng giá trị con người và những yêu cầu cao đối với con người là nguyên tắc căn bản của hệ thống giáo dục của Makarenko. Người ta thường nói trẻ em là những đóa hoa, Makarenko nói thêm rằng: “Muốn có những đóa hoa đẹp phải kịp thời dùng kéo cắt những cành khô hoặc dùng thuốc sát trùng mà tưới cho hoa”. Quan điểm nổi bật của Makarenko là phải làm thế nào cho bản thân lao động và rèn luyện thân thể có tính chất hấp dẫn học sinh và kích thích họ cố gắng đạt được những kết quả tốt đẹp. Đời sống tập thể là điều kiện quan trọng nhất để bồi dưỡng ý thức kỷ luật và ý thức tổ chức cho học sinh. Kỷ luật là kết quả của công tác giáo dục, kỷ luật phải xây dựng trên sự tin tưởng ở học sinh. Kỷ luật hay nhất là thứ kỷ luật khiến cho học sinh tự mình muốn tôn trọng mọi quy tắc của nhà trường và vui lòng nhắc nhở người khác cũng làm như mình.

Đối với những học sinh không cố ý tuân theo kỷ luật thì có cần dùng phương pháp trừng phạt không? Makarenko cho rằng, gạt bỏ việc trừng phạt là thể hiện của chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Theo ông, một chế độ trừng phạt hợp lý có thể giúp cho việc hình thành một nhân cách kiên cường, một tinh thần trách nhiệm cao, một ý chí sắt đá. Chế độ trừng phạt phải được xây dựng trên cơ sở bảo vệ lợi ích của tập thể mà không hại đến một cá nhân nào.

Với tư tưởng của mình, trong 34 năm trời, Makarenko đã kéo được 3.000 thanh thiếu niên của Liên Xô thời bấy giờ từ chỗ tối tăm ra chỗ ánh sáng, từ chỗ bùn lầy, hôi hám ra nơi sáng sủa, thảnh thơi, biến những tất cả những học sinh cá biệt thành những người công dân tốt, những người lao động tốt, những người cán bộ tốt.

Cho đến giờ, dù đã được công nhận là nhà sư phạm lỗi lạc nhưng phương pháp Makarenko vẫn còn những ý kiến trái chiều. Có trừng phạt không? Trừng phạt ở mức độ nào? Phụ huynh có chấp nhận những trừng phạt ấy không, dù họ có thể biết nó cũng góp phần mang lại những điều tích cực sau này.

***
Câu hỏi về vị thế của nhà giáo, nghề giáo đang khiến không ít giáo viên trăn trở. Tôi nhớ đến bức thư của thầy Kim Sơn khi ông nhận nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ GDĐT. Thư thầy Sơn có đoạn: “Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn. Điều này cần nhiều phía và liên quan nhiều yếu tố, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta tôn nghiêm thêm.

Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng. Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta.

Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục dần nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến... niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo. Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh, học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội”.

Chúng ta có những đổi mới trong giáo dục, chúng ta hướng đến những “ngôi trường hạnh phúc”, những điều ấy đúng đắn. Nhưng vị thế của nhà giáo chỉ có thể hình thành trên niềm tin của xã hội, trên sự hạnh phúc của chính các thầy cô.

Để các thầy cô hạnh phúc là trách nhiệm của xã hội, của mỗi chúng ta. Để những người truyền lửa, truyền kiến thức và sự nhân văn mãi sáng trong sự lung linh của chữ Học, chữ Thầy.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan