Cảnh báo siêu vi khuẩn nhiều người mắc nhưng ít người biết, có thể gây vô sinh
Một vi khuẩn có thể gây vô sinh đang “lây lan thầm lặng” nhưng ít người biết tới. Đặc biệt, vi khuẩn này đã kháng mọi loại kháng sinh đang được sử dụng để điều trị nó.
Vi khuẩn Mycoplasma genitalium hay còn được gọi là M.genitalium hoặc M.gen đã phát triển nhanh chóng và kháng mọi loại kháng sinh đang được sử dụng để điều trị nó.
Vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục này lần đầu tiên được phát hiện tại London (Anh) vào những năm 1980 nhưng cho tới năm 2019, xét nghiệm để chẩn đoán M.gen mới được cho phép lưu hành tại Mỹ. Điều đó có nghĩa là các nhà khoa học không chắc chắn chính xác mức độ lây lan của M.gen.
Một số nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Journal of Clinical Microbiology cho thấy cứ 100 người trưởng thành ở Mỹ thì chỉ có 1 người dương tính với M.gen. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính cứ 5 người thì có 1 người sẽ nhiễm loại vi khuẩn này vào một thời điểm nào đó trong đời.
M.gen có thể gây ra vô sinh, sinh non, sảy thai, viêm cổ tử cung hoặc viêm vùng tiểu khung. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng M.gen sẽ không thể điều trị được vì nó đã phát triển tới mức kháng các loại kháng sinh phổ biến đang được sử dụng để điều trị nó như azithromycin, quinolone, macrolide và doxycycline.
Việc sử dụng các thuốc thay thế để điều trị có thể được áp dụng, tuy nhiên các thuốc thay thế không thích hợp cho phụ nữ mang thai. Giới chuyên gia tại Mỹ cũng quan ngại M.gen sẽ trở nên phổ biến hơn khi các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang tăng cao ở Mỹ. Năm 2021, tại Mỹ có tới 2,5 triệu ca mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, mức cao nhất đã từng được ghi nhận tại quốc gia này.
Các vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục được ước tính là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Các chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo đây là hiện tượng đang “nóng lên trên toàn cầu”.
Giáo sư Paul Hunter, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Đông Anglia (Anh), cho biết có “bằng chứng mạnh mẽ cho thấy loại vi khuẩn này có thể gây ra các kết quả bất lợi cho sức khỏe” hơn bất kỳ dòng mycoplasma nào khác gây bệnh về đường sinh dục.
Vị giáo sư này cũng cho hay M.gen rất “khó chẩn đoán”, lây lan một cách âm thầm.
Triệu chứng khi nhiễm M.gen
M.gen có thể gây vô sinh cho nữ giới. Ảnh minh họa.
M.gen có thể gây đau đớn, chảy máu và sưng bộ phận sinh dục, thậm chí gây vô sinh ở phụ nữ. Nhưng nhiều người bị bệnh mà không có triệu chứng và có thể mang bệnh trong nhiều năm mà không hề hay biết.
M.gen lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn hoặc thậm chí qua cọ xát, hôn và lây từ mẹ sang con kể cả trước khi sinh.
Một phân tích của 10 nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy nguy cơ sinh sớm tăng gần gấp đôi ở phụ nữ nhiễm M.gen.
Ở nam giới, M.gen có thể gây viêm niệu đạo, sưng tấy và kích thích niệu đạo, gây tiểu đau. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để xác định ảnh hưởng lâu dài khi nhiễm M.gen ở nam giới. M.gen cũng có thể gây tiết dịch bất thường ở cả hai giới.
M.gen kháng thuốc kháng sinh
Simon Clarke, phó giáo sư về vi sinh vật học tế bào tại Đại học Reading (Anh), cho biết M.gen hoàn toàn có thể kháng thuốc kháng sinh.
Ông nói rằng “sự lây lan thầm lặng” của M.gen là vấn đề nguy hiểm, vì mọi người “không biết mình mắc bệnh để đi xét nghiệm và vô tình làm lây bệnh cho những người khác”. Điều này có nghĩa là M.gen sẽ tiếp tục chiếm ưu thế hơn và có thể được chỉ định điều trị bằng cách dùng các kháng sinh, từ đó thúc đẩy tình trạng kháng kháng sinh. Đây là những yếu tố nguy cơ cao khiến cho M.gen có thể trở thành siêu vi khuẩn.
Kháng thuốc kháng sinh là điều vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu lớn vào năm ngoái cho thấy các siêu vi khuẩn là nguyên nhân gây ra 1,2 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu, cao hơn số tử vong do AIDS (860.000 ca) hay bệnh sốt rét (640.000) cũng trong năm đó. Trong khi đó, COVID-19 đã gây ra cái chết cho khoảng 3,5 triệu người vào năm 2021.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) không khuyến nghị tầm soát M.gen định kỳ, bởi lẽ xét nghiệm khuếch đại axit nucleic để phát hiện M.gen mới được phê duyệt vào năm 2019 và chưa được triển khai rộng rãi. Đồng thời, các bác sĩ cũng không được yêu cầu báo cáo các trường hợp nhiễm M.gen. Bệnh nhân sẽ chỉ được sàng lọc M.gen sau khi có các triệu chứng dai dẳng và có kết quả xét nghiệm âm tính với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Qua đó có thể thấy, M.gen lây lan rộng tới thế nào hoặc có thể ảnh hưởng tới những ai là điều chưa được làm rõ.
Mặc dù vậy, Lisa Manhart, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Washington (Mỹ), cho biết M.gen có thể ảnh hưởng đến 20% phụ nữ có hoạt động tình dục và 17% nam giới từ 15-24 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ là chlamydia, với 5% phụ nữ đang có hoạt động tình dục ở độ tuổi 14-24.
Nếu thuốc kháng sinh thông thường không có tác dụng, bác sĩ có thể sử dụng moxifloxacin. Thế nhưng bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt. Do đó, đây không phải là một phương pháp điều trị phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Thêm vào đó, càng dùng nhiều moxifloxacin để điều trị M.gen thì càng có nhiều khả năng trở nên kháng thuốc. Ngoài moxifloxacin, các lựa chọn điều trị còn hạn chế.
CDC hiện khuyến nghị bệnh nhân có thể xét nghiệm kháng kháng sinh trước khi quyết định dùng loại thuốc nào để điều trị M.gen, nhưng những xét nghiệm này không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận. Chỉ một số ít trung tâm nghiên cứu chuyên ngành có thể kiểm tra xem các ca nhiễm trùng có kháng thuốc kháng sinh hay không.
Trong một hội nghị của CDC nhằm ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục vào ngày 26/9 vừa qua, các chuyên gia cho biết sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang “ngoài tầm kiểm soát”.
Tỷ lệ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả bệnh lậu và giang mai đã tăng trong nhiều năm, nhưng năm ngoái các trường hợp mắc bệnh giang mai đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1948.
Kháng kháng sinh là gì?
Thuốc kháng sinh đã được sử dụng một cách không cần thiết trong nhiều thập kỷ, khiến cho nhiều loại vi khuẩn từng là vô hại trở thành "siêu vi khuẩn".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đây đã cảnh báo nếu không không thay đổi điều này, cả thế giới sẽ hướng đến kỷ nguyên 'hậu kháng sinh'.
Theo đó, WHO cho biết các bệnh nhiễm trùng thông thường, chẳng hạn như chlamydia, sẽ có thể đe dọa mạng sống nếu không có giải pháp tức thì cho cuộc khủng hoảng đang ngày càng gia tăng này.
Vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc khi mọi người dùng không đúng liều lượng thuốc kháng sinh hoặc dùng một cách không cần thiết.
Dame Sally Davies, cựu giám đốc y tế Vương quốc Anh, tuyên bố vào năm 2016 rằng mối đe dọa kháng thuốc kháng sinh cũng nghiêm trọng như khủng bố.
Các số liệu ước tính rằng siêu vi khuẩn sẽ giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050. Khoảng 700.000 người trên khắp thế giới đã chết hàng năm do các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc bao gồm bệnh lao, HIV và sốt rét.
Mối quan tâm đã nhiều lần được đặt ra rằng y học sẽ quay trở lại "thời kỳ đen tối" nếu thuốc kháng sinh không còn hiệu quả trong những năm tới. Ngoài các loại thuốc hiện có đang trở nên kém hiệu quả hơn, chỉ có 1 hoặc 2 loại kháng sinh mới được phát triển trong 30 năm qua.
Tháng 9/2017, WHO đã cảnh báo thuốc kháng sinh đang "cạn kiệt" khi một báo cáo cho thấy "sự thiếu trầm trọng" các loại thuốc kháng sinh mới.
Các nhà khoa học cho biết nếu không có thuốc kháng sinh, việc mổ lấy thai, điều trị ung thư và thay khớp háng sẽ trở nên vô cùng "rủi ro".