A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viện vướng hàng loạt khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM là bệnh viện công đầu tiên được Bộ Y tế kiểm định và chấp thuận triển khai bệnh án điện tử (BAĐT), nhưng sau thời gian thử nghiệm, bệnh viện này rơi vào trạng thái “thiệt đơn, thiệt kép”.

Bệnh viện vướng hàng loạt khó khăn khi triển khai bệnh án điện tử

Bệnh nhân khám bệnh hồ sơ bệnh án cập nhật trên hệ thống. Ảnh: Nguyễn Ly

Bệnh viện loay hoay tìm hướng đi

Bà Nguyễn Phương Lan (Quận 11, TPHCM) vốn có bệnh nền suy tĩnh mạch và đau khớp gối. Để ổn định sức khoẻ hằng tháng, bà Lan phải đến bệnh viện thăm khám định kỳ nên bà cảm nhận rõ được sự thay đổi trong quy trình khám bệnh hiện nay.

“Tôi được hưởng BHYT 95% thì chỉ việc vào thẳng quầy, đọc thông tin cá nhân là được khám và lấy thuốc. Mấy thủ tục chụp và xét nghiệm nếu cần thì cũng nhanh hơn trước rất nhiều nên việc tháng nào cũng đến bệnh viện không còn áp lực như trước kia” - bà Lan chia sẻ.

Đối với những bệnh nhân như bà Phương Lan, bệnh án điện tử đã giúp bà và hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày được thuận lợi hơn trong quá trình khám, chữa bệnh. Thế nhưng, bệnh viện lại không được suôn sẻ nhiều như vậy.

BAĐT là chương trình đang được ngành y tế TPHCM quan tâm đặc biệt. Minh chứng là hàng loạt các bệnh viện bắt đầu chú ý, đầu tư ngân sách cho việc đổi mới quy trình quản lý bệnh án từ giấy chuyển sang BAĐT.

Và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện đầu tiên đã được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện triển khai BAĐT. Theo đó, từ ngày 1.1.2024, bệnh viện này sẽ triển khai hồ sơ BAĐT để lưu trữ và truyền tải hình ảnh, thông tin thay thế cho giấy hoặc phim trong y khoa.

Tuy nhiên, chỉ mới thời gian ngắn áp dụng BAĐT vừa qua, bệnh viện liên tục gặp khó khăn trong công tác vận hành và xử lý dữ liệu thông tin với các bên liên quan.

Cụ thể, ThS.BS Lương Công Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết, để đạt được những quy chuẩn theo quy định khi triển khai chính thức BAĐT, bệnh viện đã đầu tư tính tới nay là 13 tỉ đồng, kinh phí công nghệ thông tin (CNTT) này có thể nói là quá lớn với các bệnh viện. Để được tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế và người dân, lãnh đạo Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho rằng, cần có cơ chế đặc thù cho việc triển khai BAĐT. Ví dụ hệ thống CNTT sẽ được hỗ trợ những gì, hệ thống sever đầu tư hỗ trợ ra sao, có phần cơ cấu giá tính đúng, tính đủ trong chi phí khám chữa bệnh hay không, hệ thống PACS triển khai hỗ trợ như thế nào…

“Cơ chế cần nhất hiện nay là nên có biểu giá chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống PACS, nghĩa là thay vì in phim thì nên xây dựng giá mới cho BAĐT. Nhưng hiện tại chưa có nên hệ luỵ là Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH TPHCM) chỉ trừ tiền phim, còn lại các chi phí liên quan đến bệnh án điện tử bệnh viện tự lo” - ThS.BS Lương Công Minh chia sẻ.

Bệnh viện rơi vào trạng thái “thiệt đơn, thiệt kép”

Đứng trước những khó khăn này, vừa qua Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gửi công văn đến Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM, Bảo hiểm xã hội TP… nhằm tháo gỡ khó khăn.

Theo các chuyên gia, muốn cho bệnh viện phát triển thì phải nghĩ trước những khó khăn của đơn vị y tế triển khai BAĐT nhằm tạo ra những cơ chế động viên. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế tính đúng, tính đủ.
Đặc biệt, theo ghi nhận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, BAĐT vẫn chưa được cơ quan công an, BHXH TP coi là một hồ sơ pháp lý nên khi cần điều tra mọi thủ tục hồ sơ bệnh án vẫn phải thủ công in giấy, ký và đóng dấu điều này khiến bệnh viện phải làm song song.

“Đây không phải là cuộc chơi của ngành y tế mà cần có sự phối hợp của cơ quan chức năng. Bởi giờ bệnh viện như rơi vào trạng thái thiệt đơn, thiệt kép” - ThS.BS Minh cho biết thêm.

Liên quan đến những vấn đề này, đại diện BHXH TPHCM cho biết, hiện nay dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống PACS chưa được quy định về giá, vì vậy đề nghị Bệnh viện Nguyễn Tri Phương báo cáo về các cấp có thẩm quyền để được xem xét.

Theo Thông tư 46/2018, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023 các bệnh viện hạng một trở lên phải triển khai bệnh án điện tử; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tuy nhiên quá trình triển khai rất chậm. Trong dự thảo mới đây, bộ đề xuất đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.

Việt Nam hiện có khoảng 1.300 cơ sở y tế, gồm khoảng 135 bệnh viện hạng một công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Đến giữa tháng 8, cả nước có mới chỉ 50 cơ sở y tế (gồm cả công lập và tư nhân) công bố thử nghiệm chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan